Thứ Năm, 28/11/2024
Thực tiễn kinh nghiệm
Chủ Nhật, 27/9/2009 16:44'(GMT+7)

Thơm thảo những tấm lòng

Các em học sinh đồng bào dân tộc Trường tiểu học Ia Tiêm (Chư Sê - Gia Lai) trên đường đến trường.

Các em học sinh đồng bào dân tộc Trường tiểu học Ia Tiêm (Chư Sê - Gia Lai) trên đường đến trường.

Ia Tiêm là xã nghèo vùng sâu, vùng xa của huyện  Chư Sê tỉnh Gia Lai. Cả xã chỉ có một trường THCS, trẻ em muốn đi học phải lội bộ 6-7 km mỗi ngày. Nhiều em đã phải bỏ học giữa chừng, phần vì gia đình khó khăn phải ở nhà phụ giúp cha mẹ, phần khác do cách trở trong đi lại, nhất là vào mùa mưa. Các làng hầu như chưa có lớp mẫu giáo, các cháu nhỏ theo mẹ lên rẫy hoặc tự chơi mà không ai quản lý. Thực trạng ấy, ai cũng thấy nhưng đành bó tay. Ông Kpă Cha, dân tộc Gia Rai ở làng Lê Anh cũng trăn trở lắm. Tìm hiểu ông biết xã đã được đầu tư kinh phí nhưng không tìm đâu ra đất xây lớp học. Nhiều đêm thao thức, cuối cùng ông cũng nghĩ ra được cách giúp các cháu. Ông đến xã tìm cán bộ đề đạt ý nguyện của mình cắt 300 m2 đất vườn để tặng xã. Có đất, liền sau đó hai phòng học mẫu giáo được hoàn thành. Từ khi có lớp học, 20 cháu trong làng trước đây phải qua gửi tận làng Ngo cách đó hơn một ki-lô-mét nay không phải đi học xa nữa. Ông tâm sự: "Ðây là số đất gia đình mình đã trồng cà-phê mít, tuy năng suất không cao nhưng cũng giúp cho gia đình một khoản thu nhập không phải nhỏ. Trước mắt, mình có thể chịu thiệt nhưng bù lại, các cháu được đến trường là mình thấy vui cái bụng rồi". Ðiều đáng quý hơn là sau đó, theo gương ông, đã có bốn gia đình khác trong xã cũng tự nguyện hiến tặng đất để chính quyền xây dựng trường học, như gia đình anh Kpă Dít tặng 250 m2, Rơ lan Dong tặng 1.000 m2, Rơ lan Bêu tặng 650 m2, Rơ lan Bết tặng 1.300 m2... Rơ lan Bết tâm sự: "Vợ chồng còn nghèo, phải làm thêm đủ thứ để nuôi con nhỏ nhưng mình tự nguyện hiến đất để xây trường là vì các cháu, hơn nữa mai đây con mình lớn lên thì cũng có lớp để mà chúng học chữ, đâu có thiệt gì!".

Có lẽ do ý nghĩa của việc hiến tặng đất, nên nghĩa cử đẹp này đã được nhiều người hưởng ứng và lan rộng trên địa bàn Chư Sê. Chỉ riêng xã Ia Tiêm đã có đến 13 gia đình hiến tặng đất để xã xây dựng trường học cho các cháu. Và không chỉ hiến đất xây trường, nhiều gia đình còn giúp hộ nghèo có đất để xây dựng nhà ở, để sản xuất. Ở thôn 2, xã Ia Blá, có gia đình ông Siu Bắp, được coi là người có nhiều đất sản xuất nhất làng. Năm 2005, ông bàn với gia đình tặng 0,7 ha đất cho gia đình anh Siu Ping, người cùng làng; ông Siu Hoa thì nhường đất cho gia đình anh Rơ Mah Bleng...

Ở làng Nú (Chư Prông) có bà Kpui Ích, một người có tấm lòng nhân hậu, làm nhiều việc tốt, được mọi người nhắc đến như một tấm gương mang tính giáo dục cao, truyền dạy cho lớp con cháu noi theo. Hiện nhà bà có một chiếc xe công nông, nhưng bà không dùng cho riêng mình mà hễ làng có việc cần đều được bà cho mượn. Có người trong làng bị ốm nặng, nếu không nhờ xe bà chở đi bệnh viện huyện kịp thời thì khó lòng qua khỏi. Trước đây, nhờ khai hoang nên nhà bà có khá nhiều đất. Thấy trong làng nhiều người thiếu đất sản xuất, bà đề nghị bán 10 ha đất cho xã với giá rẻ để xã chia lại cho những người đang thiếu đất. Bà nói: Giá đất hơn 10 triệu/ha nhưng mình chỉ bán có bốn triệu đồng/ ha. Mình già rồi không làm được nhiều, còn sáu ha hai mẹ con trồng mì cũng đủ sống. Số tiền bán đất 40 triệu đồng vừa cầm thì hay tin Kpui Pheng bị ốm đã mấy ngày nhưng không đi bệnh viện vì không có tiền, bà liền tìm đến không ngần ngại đưa sáu triệu đồng rồi cùng gia đình đưa Pheng lên bệnh viện. Hay như gia đình Kuih Phút, quanh năm thiếu gạo, cả bốn đứa con không được ăn học, không có quần áo mới để mặc. Tìm hiểu, bà thấy là do không biết cách làm ăn, lại không có vốn nên nghèo, bà đến nhà động viên, bày cách làm ăn, rồi cho năm triệu đồng làm vốn. Từ số tiền ấy, vụ mùa vừa rồi lúa được giá, nhà Phút bán được 20 triệu đồng. Phút vui như mở cờ trong bụng: "Mình mang tiền trả cho bà Ích nhưng bà không nhận, bà bảo cứ để đó khi nào dư dả thì trả cũng được. Mình biết ơn bà lắm. Nhà mình hết đói, con mình được đi học lại rồi. Số tiền này mình sẽ cất kỹ, ráng một vụ mì nữa mình sẽ sửa lại căn nhà...". Ðó là hai trong số sáu gia đình được bà Ích giúp đỡ trong những năm qua, mặc dù hoàn cảnh của bà cũng thật đáng để được giúp đỡ: Chồng hy sinh trong trận tấn công đồn Plây Me trong kháng chiến, đứa con gái lấy chồng sinh một đứa con thì chồng bỏ theo người khác. Bây giờ bà, con gái và đứa cháu ngoại vẫn ở trong ngôi nhà vách gỗ đơn sơ. Ðược cái hằng ngày, trong nhà không ngớt tiếng vui đùa của trẻ nhỏ - những đứa trẻ cha mẹ chúng bận đi làm gửi  bà trông giữ.

Trong chuyến công tác ở huyện Kbang, chúng tôi lại nghe chuyện già Ðinh Yem ở làng Ðăk Giang 2, xã Ðông cắt đất của mình tặng cho sáu đôi trai gái nghèo trong làng mới lập gia đình, muốn ra ở riêng nhưng không có đất cất nhà. Trong căn nhà cấp 4 đơn sơ, chúng tôi gặp ông đang hì hụi bên chiếc gùi đan còn dang dở. Ấn tượng đầu tiên khi gặp ông là dáng vẻ gầy gò, khắc khổ của người vừa bước sang tuổi 65, nhưng đôi mắt sáng và đôn hậu đến lạ kỳ. Ông bảo: Mình từng tham gia chiến đấu chống giặc ngoại xâm, từng có những giây phút đối mặt với sự sống và cái chết. Hòa bình lập lại, trở về làng, gia đình mình lại đối mặt với khó khăn của cuộc sống. Nhưng trong những lúc khó khăn như vậy, mình luôn vượt qua được mà một phần là nhờ sự cưu mang, đùm bọc, sẻ chia, giúp đỡ của bà con dân làng, dù khi ấy chỉ là đôi ký củ mì, chút nắm muối để duy trì cuộc sống qua ngày. Sau bao nhiêu năm vất vả, bây giờ cuộc sống gia đình cũng tạm ổn định, con cái  được học hành thành đạt nên người nhưng bà con trong làng nhiều người vẫn nghèo và khó khăn quá, mình thấy trách nhiệm phải làm điều gì đó giúp bà con và cũng là để trả ơn những ngày bà con đã giúp đỡ gia đình mình. Dừng một lát, già Yem nói: "Thật ra, việc tôi tặng đất cho mấy đứa trẻ trong làng để cất nhà cũng là chuyện bình thường thôi. Nhà chúng nghèo quá, đến đất làm rẫy cũng thiếu thì lấy đâu đất mà xây nhà! Thế là từ năm 2003, ban đầu chỉ hai hộ được tôi cho đất, sau này nghe mọi người nói, mấy cặp nữa mới cưới lại đến xin, thấy nhà đứa nào cũng đều nghèo như vậy cả, nên tôi không cầm lòng, cho thêm bốn mảnh đất nữa để chúng nó cất nhà...". Tìm hiểu thêm mới biết, không chỉ với 1.400 m2 đất ông cho sáu gia đình trẻ cất nhà, ông còn hỗ trợ thêm gạo, tiền cho họ vào những ngày đầu còn khó khăn. Không những thế, trong làng ai thiếu ăn hay ma chay, cưới hỏi, làm nhà... ông cũng đem tiền, gạo giúp. Trong khi đó, cuộc sống gia đình ông cũng có khá giả gì cho cam: Ngoài đồng lương hưu và trợ cấp thương binh của mình, hằng ngày ông cũng vất vả, vắt kiệt mồ hôi với 2 ha rẫy mới lo đủ cái ăn nuôi vợ và năm đứa con. 

Việc ông làm nhiều người không hiểu, trong đó có cả vợ con ông can ngăn, bởi với giá đất hiện tại, nếu ông bán đi cũng có đủ số vốn để đầu tư, mở rộng sản xuất, chăm lo cho cuộc sống gia đình đỡ phần vất vả. Nhưng với một người đã từng kinh qua gian khổ của cuộc đời, đã cống hiến một phần thân thể và tuổi xuân cho đất nước nơi chiến trường như Ðinh Yem, thì ông cũng có cái lý đầy nhân nghĩa để thuyết phục gia đình và mọi người nghe theo. Ông thường bảo: "Những việc làm của tôi không ngoài mục đích gì khác là để trả ơn cho bà con, cho cuộc đời thôi. Thời bom đạn loạn ly, không có bà con che chở chắc gì tôi trở về bình an. Nay tôi làm như vậy cũng chỉ mới trả được phần nào cái tình, cái nghĩa của đồng bào". Chị Ðinh Thị Toét, một trong sáu gia đình được già Ðinh Yem cho đất, tâm sự: "Trước khi cưới nhau, nhà mình và nhà chồng đều nghèo, không có đất cất nhà. Già Yem cho đất, cho tiền và gạo, lại còn chỉ cho cách làm ăn, nên gia đình mình giờ đã đủ ăn, không còn đói như trước. Gia đình mình rất biết ơn già Yem...".

Trong cuộc sống bây giờ, thỉnh thoảng chúng ta vẫn nghe hoặc chứng kiến những chuyện đau lòng mất tình mất nghĩa chỉ vì những quyền lợi cỏn con. Nhưng qua những câu chuyện kể trên, đã cho ta thêm niềm tin rằng: Dù cuộc sống vẫn còn nhiều khó khăn nhưng truyền thống "Lá lành đùm lá rách, thương người như thể thương thân" của dân tộc vẫn được phát huy trong đồng bào các dân tộc thiểu số ở Tây Nguyên./.

(Theo: Phan Hoà/ND)

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất