Thứ Tư, 27/11/2024
Nghiên cứu trao đổi
Thứ Ba, 4/8/2009 22:39'(GMT+7)

Tiếp tục thực hiện Chỉ thị 27 về “Xây dựng nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang, lễ hội”

Lễ hội dân gian vùng Quảng Nam (Ảnh minh hoạ).

Lễ hội dân gian vùng Quảng Nam (Ảnh minh hoạ).

Ngày 22/7/2009, Bộ Chính trị ra Thông báo kết luận số 51- KL/TW về tiếp tục thực hiện Chỉ thị 27-CT/TW ngày 12/1/1998 của Bộ Chính trị (khóa VIII) thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang, lễ hội. Đây là văn bản chỉ đạo được hình thành qua quá trình khảo sát, kiểm tra, tổng kết ở các cấp với sự tham gia của toàn bộ hệ thống chính trị dưới sự chỉ đạo trực tiếp của các cấp ủy đảng.

Chỉ đạo nắm tình hình, hướng dẫn tổng kết

Vào những tháng đầu năm 2007, đời sống tinh thần xã hội có những diễn biến khá phức tạp, nổi lên là hai hiện tượng: sinh hoạt mê tín dị đoan tại một số lễ hội, cơ sở tín ngưỡng (đền, chùa, miếu, phủ…). Hoạt động của một số người lợi dụng cái gọi là “tâm linh, ngoại cảm”, tự cho mình là người được linh hồn nhân vật này, nhân vật kia “nhập” hoặc “linh ứng” vào mình mà có “khả năng đặc biệt”…; thông qua đó tổ chức hoạt động tuyên truyền, phát tán tài liệu, chữa bệnh trái với quy định của Đảng, Nhà nước, chính quyền địa phương, làm rối loạn đời sống tinh thần của một bộ phận nhân dân, gây ra sự hoài nghi đối với lịch sử, các đồng chí cán bộ cấp cao của Đảng, Nhà nước. Đáng chú ý là sự thiếu trách nhiệm, nhận thức chưa đầy đủ về tính chất phức tạp, nhạy cảm của vấn đề của một số báo, nhà xuất bản, đăng bài, tin về những hiện tượng liên quan đến khả năng đặc biệt của con người nhưng chưa có căn cứ, kết luận khoa học của các cơ quan chức năng có trách nhiệm nghiên cứu vấn đề này, càng khiến dư luận xã hội băn khoăn, lo lắng; kẻ xấu, bọn cơ hội lợi dụng gia tăng hoạt động “diễn biến hoà bình” trên lĩnh vực tư tưởng, văn hoá.

Trước tình hình đó, Vụ chức năng của Ban Tuyên giáo Trung ương đã tiến hành khảo sát, kiểm tra, nắm tình hình, báo cáo Ban Bí thư thực trạng tình hình và đề xuất những giải pháp định hướng, chỉ đạo. Trên cơ sở đó, ngày 27/6/2008 Ban Bí thư đã ra Thông báo Kết luận số 83-TB/TW chỉ đạo tiến hành tổng kết đánh giá 10 năm thực hiện Chỉ thị 27 của Bộ Chính trị (khoá VIII) về thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang, lễ hội; đẩy mạnh phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá”, đồng thời tập trung chấn chỉnh những biểu hiện tiêu cực trong hoạt động lễ hội, lợi dung tâm linh, ngoại cảm để trục lợi, gây rối đời sống tinh thần xã hội; tăng cường chỉ đạo, quản lý báo chí, xuất bản. Xủ lý nghiêm và kiên quyết các hành vi truyền bá, phát tán tài liệu, băng đĩa không được phép lưu hành, những hành vi lợi dụng tâm linh, ngoại cảm để lừa bịp, xuyên tạc, vu khống cá nhân, tập thể, phá hoại an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội.

Để triển khai tổng kết đảm bảo yêu cầu của Ban Bí thư, Ban Tuyên giáo Trung ương đã chủ trì, phối hợp với Ban Cán sự đảng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Ban Dân vận Trung ương thành lập Ban Chỉ đạo từ Trung ương đến các tỉnh, thành uỷ, đảng uỷ trực thuộc Trung ương (ở Trung ương có thêm Tiểu ban giúp việc và Tổ nội dung); Ban Chỉ đạo Trung ương đã ra văn bản hướng dẫn tổng kết, theo đó các cấp uỷ chọn các trọng điểm ở cấp quận (huyện, thị xã) và cấp xã (phường, thị trấn), ở cả những địa phương thực hiện tốt Chỉ thị và những địa phương còn khó khăn, bất cập, yếu kém để tiến hành tổng kết; sau đó tổ chức tổng kết ở cấp tỉnh, thành uỷ, Đảng uỷ trực thuộc Trung ương. Đây là cách làm mới, hiệu quả, tránh hội họp nhiều bởi vì quá trình 10 năm thực hiện Chỉ thị, Bộ Chính trị, Ban Bí thư đã chỉ đạo tổng kết 5 năm; hàng năm, cấp ủy các cấp cũng tiến hành chỉ đạo kiểm điểm lồng ghép với đánh giá kết quả phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”. Khi tổng kết tại các đơn vị được Ban Chỉ đạo phân công có mời một số đại biểu ở các địa phương khác đến dự, phát biểu xây dựng báo cáo chung (gồm Bí thư hoặc Phó Bí thư Thường trực cấp ủy; Chủ tịch hoặc Phó Chủ tịch phụ trách công tác văn hóa, xã hội; cán bộ Tuyên giáo; Văn hóa, thể thao và Du lịch; Cựu chiến binh; Phụ nữ; Đoàn Thanh niên). Nhìn chung việc triển khai tổng kết của các cấp đã bám sát hướng dẫn, yêu cầu của Ban Chỉ đạo Trung ương, thực hiện nghiêm túc việc chỉ đạo tổng kết điểm, đảm bảo thời gian như: Hà Nam, Hà Giang, Đà Nẵng, Nam Định, Hải Dương, Hà Nội, Trà Vinh, Thừa Thiên Huế, Kon Tum, thành phố Hồ Chí Minh, Bình Dương, Đảng bộ quân đội… Sau tổng kết, các tỉnh, thành ủy, Đảng ủy trực thuộc Trung ương đều gửi báo cáo về Ban Chỉ đạo Trung ương để tổng hợp, xây dựng báo cáo chung.

Một số vấn đề cần rút kinh nghiệm trong quá trình tổng kết ở các cấp là: Đa số tổng kết ở cơ sở của các tỉnh, thành uỷ, báo cáo của một số cơ quan ở trung ương chưa làm rõ trách nhiệm của cấp uỷ, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị- xã hội, của đảng viên, cán bộ, công chức nhà nước, của các cơ quan thông tin đại chúng, của hoạt động văn hoá, văn nghệ trong việc chỉ đạo, nêu gương thực hiện, trong cổ vũ, tuyên truyền nội dung, vận động nhân dân và những gương điển hình thực hiện Chỉ thị. Nhiều báo cáo thiên về công tác quản lý nhà nước, chưa thể hiện đầy đủ tinh thần báo cáo của cấp ủy chỉ đạo lĩnh vực cưới, tang, lễ hội theo yêu cầu của Bộ Chính trị. Bài học kinh nghiệm, những mô hình mới, những điển hình tốt trong việc cưới, tang, lễ hội chưa được làm rõ và chỉ ra cụ thể. Hiện tượng lợi dụng sinh hoạt tín ngưỡng để hoạt động mê tín dị đoan; lợi dụng yếu tố tâm linh, ngoại cảm để lừa bịp, xuyên tạc, trục lợi chưa được đánh giá, nhận định và đề xuất các giải pháp khắc phục. Việc triển khai tổng kết của các đảng uỷ trực thuộc Trung ương còn chậm, thiếu sự chỉ đạo tập trung, thống nhất; công tác tham mưu của Ban Tuyên giáo, tuyên huấn cho cấp uỷ trong quá trình chỉ đạo, tổ chức tổng kết phù hợp với điều kiện, tình hình của cơ quan còn bộc lộ lúng túng, thiếu chủ động.

Quá trình tổng kết ở cơ sở, Ban Chỉ đạo Trung ương đã tổ chức 05 đoàn đi kiểm tra, dự tổng kết ở một số địa phương; 02 đoàn đi khảo sát, trao đổi, nghe phản ánh tại 22 xã, phường, thị trấn thuộc 8 tỉnh, thành phố ở 3 miền: Bắc, Trung, Nam; tổ chức điều tra, thăm dò dư luận xã hội trên phạm vi 7 tỉnh, thành phố có khả năng phản ánh tình hình chung trong cả nước về thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang, lễ hội và vấn đề tâm linh, ngoại cảm; tiếp thu báo cáo của các tỉnh, thành uỷ, Đảng uỷ trực thuộc Trung ương, từng bước xây dựng báo cáo chung. Để hoàn thiện báo cáo chung, Ban Chỉ đạo Trung ương cũng tổ chức 9 cuộc họp xin ý kiến cán bộ lãnh đạo, chỉ đạo, nhà nghiên cứu, giảng dạy, quản lý văn hoá, cán bộ tham mưu cho lãnh đạo trên lĩnh vực văn hoá. Minh họa cho báo cáo chung, còn có 02 bản phụ lục: Phụ lục về các điển hình, mô hình tốt trong thực hiện Chỉ thị 27 do Tổ nội dung tổng hợp từ báo cáo của các tỉnh ủy, thành ủy, đảng ủy trực thuộc Trung ương; phụ lục báo cáo kết quả thăm dò dư luận xã hội về thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang, lễ hội và vấn đề tâm linh, ngoại cảm do Viện Nghiên cứu Dư luận xã hội, Ban Tuyên giáo Trung ương thực hiện.

 Chuẩn bị báo cáo trình Ban Bí thư, tổ chức Hội nghị toàn quốc tổng kết 10 năm thực hiện Chỉ thị

Quá trình theo dõi tổng kết, chuẩn bị báo cáo, đồng chí Tô Huy Rứa UVBCT, BTTW Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương, các đồng chỉ lãnh đạo Ban Tuyên giáo Trung ương, các đồng chí trong Ban Chỉ đạo Trung ương, Chuyên gia Cao cấp của Ban đã thường xuyên chỉ đạo, dự, nghe, góp ý.

Sau khi hoàn thành việc chỉ đạo tổng kết ở các cấp và báo cáo chung, Ban Chỉ đạo Trung ương đề xuất với Ban Bí thư tổ chức tổng kết toàn quốc đánh giá kết quả 10 năm thực hiện Chỉ thị 27, trên cơ sở đó chấn chỉnh các cấp ủy Đảng, chính quyền từ Trung ương đến địa phương trước hết là trong cán bộ, đảng viên về việc thực hiện Chỉ thị của Đảng; những vấn đề liên quan đến sinh hoạt tâm linh, ngoại cảm; thúc đẩy Cuộc vận động "Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh" và phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”. Tại phiên họp ngày 07 tháng 11 năm 2008, sau khi nghe Ban Tuyên giáo Trung ương báo cáo, Bộ Chính trị đã ra Thông báo kết luận số 34-KL/TW. Theo đó, Ban Bí thư sẽ tổ chức Hội nghị toàn quốc tổng kết 10 năm thực hiện Chỉ thị 27 của Bộ Chính trị (khóa VIII) để tiếp tục chỉ đạo đẩy mạnh việc thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang, lễ hội.

Ngày 06 tháng 05 năm 2009, tại Hà Nội, đồng chí Tô Huy Rứa UVBCT, BTTW Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương và đồng chí Nguyễn Thiện Nhân, UVTW Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ đã chủ trì Hội nghị toàn quốc tổng kết 10 năm thực hiện Chỉ thị 27 của Bộ Chính trị (khóa VIII). Sau khi nghe báo cáo tổng kết của Ban Chỉ đạo Trung ương, đã có hơn 20 đại biểu tham gia ý kiến bày tỏ nhiệt huyết đối với việc cần tiếp tục đẩy mạnh hơn nữa việc thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang, lễ hội; phản ánh khách quan, thẳng thắn tình hình thực hiện và kết quả, hạn chế, yếu kém qua hơn 10 năm thực hiện Chỉ thị; nhiều ý kiến trao đổi, đề xuất các giải pháp nhằm tiếp tục đẩy mạnh hơn nữa việc thực hiện Chỉ thị. Đa số các đại biểu nhất trí với đánh giá của Ban Chỉ đạo Trung ương về những kết quả bước đầu qua 10 năm thực hiện Chỉ thị. Hầu hết các cấp ủy đảng, chính quyền địa phương đã ban hành nghị quyết, chương trình, kế hoạch thực hiện Chỉ thị; nhiều tổ chức đảng, chính quyền, đoàn thể chính trị- xã hội nêu cao trách nhiệm giáo dục, quản lý cán bộ, đảng viên và quần chúng; biểu dương người tốt, việc tốt, phê phán, kiểm điểm nghiêm túc những người vi phạm. Tuyệt đại quần chúng nhân dân tích cực tham gia thực hiện Chỉ thị; hủ tục giảm rõ rệt, bước đầu hình thành một số chuẩn mực, mô hình mới trong cưới, tang, lễ hội; tiết kiệm thời gian, tiền của...

Tuy vậy, những năm về sau, việc thực hiện Chỉ thị có biểu hiện chững lại; một số nơi, công tác lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý bị buông lỏng, hữu khuynh, né tránh; một bộ phận cán bộ, đảng viên thiếu gương mẫu; đám cưới phô trương, lãng phí diễn ra khá phổ biến ở thành phố lớn; cơ quan quản lý nhà nước về văn hóa, đoàn thanh niên, phụ nữ, công đoàn chưa chủ động hướng dẫn xây dựng điển hình; một số cơ quan báo chí, xuất bản chấp hành không nghiêm quy định thông tin của Đảng, Nhà nước...

Hội nghị nhất trí cao với nhận định của ban Chỉ đạo Trung ương về nguyên nhân của những yếu kém, bất cập bộc lộ trong quá trình thực hiện Chỉ thị là: nhận thức về trách nhiệm của không ít cấp đối với việc tổ chức thực hiện Chỉ thị 07 chưa đầy đủ, còn nhiều yếu kém, bất cập. Trách nhiệm của cơ quan quản lí văn hóa Nhà nước đối với việc hướng dẫn, tổ chức, quản lí hoạt động cưới, tang, lễ hội còn nhiều biểu hiện thiếu chặt chẽ, buông lỏng, hữu khuynh. Còn khá nhiều cán bộ, đảng viên, công chức, kể cả một số cán bộ chủ chốt các cấp, các ngành thiếu gương mẫu trong thực hiện việc cưới, tang, lễ hội theo nếp sống văn minh. Hoạt động “ngoại cảm” đã bị lợi dụng, biến tướng. Chủ yếu là việc “nhập hồn, gọi hồn” của một số người, lợi dụng, xuyên tạc đường lối, chủ trương của Đảng, Nhà nước, kích động gây mâu thuẫn mất đoàn kết không được sử lí kịp thời. Cơ sở vật chất, thiết chế đảm bảo cho việc thực hiện chỉ thị chưa được các cấp, các ngành đầu tư xây dựng.

Tiếp tục đẩy mạnh thực hiện Chỉ thị 27 của Bộ Chính trị (khóa VIII) về thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang, lễ hội

Tiếp thu các ý kiến tại hội nghị toàn quốc, chỉ đạo của đồng chí Tô Huy Rứa, đồng chí Nguyễn Thiện Nhân, Tổ nội dung đã hoàn chỉnh báo cáo, trình Bộ Chính trị. Căn cứ vào kết quả Hội nghị toàn quốc tổng kết 10 năm thực hiện Chỉ thị 27 của Bộ Chính trị (khóa VIII), Bộ Chính trị cơ bản nhất trí với báo cáo, đề xuất của Ban Chỉ đạo Trung ương. Để tăng cường thiết lập kỷ cương, xây dựng nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang, lễ hội, Bộ Chính trị yêu cầu các cấp ủy đảng, chính quyền, mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể tiếp tục thực hiện nghiêm túc Chỉ thị số 27-CT/TƯ của Bộ Chính trị (khóa VIII); Thông báo kết luận số 83- TB/TƯ, ngày 27/6/2007 của Ban Bí thư và Kết luận số 34-KL/TƯ, ngày 20/12/2008 của Bộ Chính trị (khóa X) về việc cưới, việc tang, lễ hội và tâm linh, ngoại cảm. Trước hết, công tác lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy các cấp cần tập trung đổi mới, nâng cao chất lượng công tác tuyên truyền, giáo dục chính trị, tư tưởng xây dựng thế giới quan khoa học cho cán bộ, đảng viên, các tầng lớp nhân dân, kiên định chủ nghĩa Mác- Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh là nền tảng chính trị tư tưởng cho mọi hoạt động và đời sống tinh thần của xã hội ta. Tập trung chỉ đạo xây dựng đời sống văn hóa ở cơ sở, xây dựng đội ngũ cán bộ văn hóa, thiết chế văn hóa, môi trường văn hóa lành mạnh, phong phú. Gắn chặt các hoạt động trên với phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, với Cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”. Cán bộ, đảng viên, trước hết là cán bộ chủ chốt các cấp phải gương mẫu thực hiện Chỉ thị của Đảng. Cấp ủy đảng, chính quyền, mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể chính trị- xã hội các cấp, các địa phương tăng cường chỉ đạo cơ sở thực hiện nghiêm túc quy ước, hương ước, những quy định về việc cưới, việc tang, lễ hội. Cơ quan quản lý nhà nước các cấp rà soát, bổ sung, hoàn thiện các quy định, quy chế về việc cưới, việc tang, lễ hội phù hợp, đáp ứng yêu cầu của tình hình hiện nay. Chính quyền các cấp tăng cường kiểm tra, xử lý nghiêm khắc các hành vi vi phạm, quản lý chặt chẽ hoạt động thị trường các sản phẩm văn hóa.

Những vấn đề liên quan đến việc cưới, việc tang, lễ hội không bao giờ là chuyện cũ, nó tồn tại và đồng hành trong đời sống tinh thần của mỗi người, gia đình và cộng đồng. Điều chỉnh ứng xử của con người, gia đình, cộng đồng khi có việc cưới, việc tang, lễ hội là biểu hiện nhận thức về văn hóa, trình độ, năng lực quản lý, điều hành của chế độ hiện hành, trong đó việc thể chế các quan điểm, chủ trương của Đảng cầm quyền trên lĩnh vực này thành các văn bản mang tính pháp lý phù hợp, thuyết phục là khâu quyết định. Chủ trương đã rõ, nhân dân đã nhận thức đầy đủ ý nghĩa, tác dụng của việc thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang, lễ hội, vấn đề là tuyên truyền và tổ chức thực hiện, nhưng người thực hiện trước hết phải là cán bộ, đảng viên.

Vũ Việt Hùng
Ban Tuyên giáo TW

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất