Thứ Hai, 25/11/2024
Thực tiễn kinh nghiệm
Thứ Hai, 23/9/2013 13:16'(GMT+7)

Tiết kiệm phụ cấp giúp đồng đội xuất ngũ

Tuổi trẻ Ðoàn Công binh 550 (Binh đoàn Cửu Long) tham gia mô hình Tiết kiệm phụ cấp, hướng tới tương lai.

Tuổi trẻ Ðoàn Công binh 550 (Binh đoàn Cửu Long) tham gia mô hình Tiết kiệm phụ cấp, hướng tới tương lai.

Ðến công tác tại Ðại đội 1, Tiểu đoàn 25, Ðoàn Công binh 550, sau giờ huấn luyện buổi chiều, tại hội trường đơn vị, chúng tôi được chứng kiến không khí sôi động của các chiến sĩ xếp hàng chờ đến lượt mình gửi tiền tiết kiệm. Thấy tôi ngỡ ngàng về việc này, Chính trị viên Ðại đội, Trung úy Bùi Thanh Liêm, hồ hởi cho biết: Hôm nay là ngày đầu tháng, anh em chiến sĩ đơn vị lấy phụ cấp, dành tiền nhờ cán bộ đơn vị gửi tiết kiệm ngân hàng; việc làm này được tuổi trẻ đơn vị hưởng ứng tham gia có nền nếp từ đầu năm 2012 đến nay. Gặp binh nhì Dương Quốc Chương, cùng tốp chiến sĩ trẻ đang ở "tuyến chờ đợi", nở nụ cười tươi trên khuôn mặt sạm nắng, Chương giới thiệu: Em quê ở xã Mỹ Thạnh, huyện Ba Tri (Bến Tre), nhập ngũ tháng 2-2013. Trước khi là lính, em đã tốt nghiệp Trường đại học công nghệ sinh học Nha Trang. Ở nhà, bố mẹ đều làm ruộng, hoàn cảnh gia đình còn khó khăn, cho nên khi được tham gia phong trào "tiết kiệm phụ cấp, hướng tới tương lai", em thấy chương trình này rất thiết thực. Tuy lính binh nhì phụ cấp mỗi tháng chỉ được hơn 500 nghìn đồng, nhưng ngoài bớt khoản tiền tiêu vặt như: mua kem đánh răng, xà-phòng..., em còn để dành gửi tiết kiệm 200 nghìn đồng/tháng, để khi xuất ngũ, có khoản tiền giúp gia đình và ôn thi vào ngành thạc sĩ công nghệ sinh học... Binh nhất Lê Thanh Mộng, quê ở tổ 9, quận 8, TP Hồ Chí Minh khoe: Từ khi nhập ngũ, từ tháng 9-2012 đến nay, mỗi tháng em gửi tiết kiệm từ 200 đến 500 nghìn đồng; tiền tiết kiệm được trong 18 tháng tại ngũ, cộng với tiền thanh toán chế độ ra quân sau này, em sử dụng vào việc học nghề lái xe ô-tô và xin vào làm việc tại một doanh nghiệp ở địa phương.

Ðược biết, để chiến sĩ trong đơn vị hưởng ứng tham gia phong trào một cách có nền nếp, Ðại đội 1 cũng như các đơn vị khác gặp không ít khó khăn. Bởi ngày đầu triển khai thực hiện mô hình này, phần lớn chiến sĩ còn băn khoăn, vì số tiền phụ cấp hằng tháng ít ỏi: binh nhì được hơn 500 nghìn đồng/người/tháng; hạ sĩ quan chiến sĩ đến cấp thượng sĩ được trên dưới hai triệu đồng/người/tháng, thì tiết kiệm như thế nào? Quy trình gửi tiết kiệm ngân hàng qua nhiều cấp, nếu bản thân, gia đình có việc đột xuất, cần lấy tiền gấp liệu có kịp thời không? Trong khi đó, 100% chiến sĩ đơn vị đang độ tuổi thanh niên, quen nếp sống sinh hoạt phụ thuộc gia đình, nên "vô lo, vô nghĩ", chi tiêu rất "thoáng"...

Ðể việc triển khai phong trào đạt kết quả tốt, cấp ủy, chỉ huy các cấp trong Ðoàn 550 đã coi trọng công tác giáo dục chính trị tư tưởng, giúp bộ đội hiểu rõ mục đích, ý nghĩa, nội dung của phong trào. Ðồng thời, tổ chức Ðoàn các cấp phát động đoàn viên, thanh niên (ÐV,TN) thi đua "tiết kiệm phụ cấp, hướng tới tương lai"; tổ chức diễn đàn thanh niên với chủ đề: "Sống giản dị - tiết kiệm", coi đây là hành động cụ thể, thiết thực "làm theo" tấm gương đạo đức của Bác Hồ... Trong đó, mỗi ÐV,TN báo cáo ý định của mình sau khi xuất ngũ làm gì ? Cần bao nhiêu tiền để thực hiện kế hoạch của mình... Hằng tháng, khi lĩnh tiền phụ cấp, phần lớn chiến sĩ sau khi tính toán để lại số tiền nhất định để phục vụ nhu cầu tất yếu, số còn lại gửi cán bộ đơn vị, trên cơ sở đó, cán bộ tài chính đơn vị tổng hợp để gửi tiết kiệm ngân hàng. Trong triển khai thực hiện, có biểu dương, khen thưởng những tập thể, cá nhân thực hiện tốt phong trào. Cùng với đó, các cơ quan, đơn vị quan tâm chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho bộ đội; tổ chức tốt hoạt động vui chơi giải trí trong các ngày nghỉ, giờ nghỉ như: câu lạc bộ sách, báo, bóng đá, câu lạc bộ thể hình...

- Kết quả triển khai thực hiện mô hình này như thế nào? - chúng tôi hỏi. Chính ủy Ðoàn 550, Thượng tá Lê Lương Quyền cho biết: Mô hình này được anh em chiến sĩ nhiệt tình hưởng ứng tham gia, người gửi ít nhất là 200 nghìn đồng/tháng, nhiều là hơn một triệu đồng/tháng. Từ đầu năm 2012 đến nay, chiến sĩ toàn đoàn tiết kiệm được hơn 600 triệu đồng. Nhiều chiến sĩ trong thời gian tại ngũ đã tiết kiệm được hơn 20 triệu đồng, cộng với số tiền ra quân hơn mười triệu đồng, cho nên khi hoàn thành nghĩa vụ quân sự trở về địa phương, số tiền trên được anh em sử dụng giúp gia đình sửa chữa nhà cửa, mua cặp bò giống, hoặc học nghề, mua máy cày mi-ni, máy suốt lúa..., để thực hiện ước mơ lập thân, lập nghiệp, ổn định cuộc sống. Tiêu biểu như Trần Vũ Minh, ở ấp An Ðiền, xã An Thuận, huyện Thạnh Phú (Bến Tre), thời gian tại ngũ đã tiết kiệm được hơn 20 triệu đồng, cộng số tiền hơn mười triệu đồng thanh toán chế độ ra quân, anh Minh sử dụng số tiền trên giúp gia đình sửa lại căn nhà lợp lá xiêu vẹo. Giờ đây, được ở trong căn nhà kiên cố, không phải lo "nắng rọi, mưa dột", anh Minh mới hiểu hết ý nghĩa khi tham gia phong trào "tiết kiệm phụ cấp, hướng tới tương lai" ở đơn vị và giá trị của đồng tiền mà chính tay mình tiết kiệm được... Những trường hợp chiến sĩ có hoàn cảnh gia đình đặc biệt khó khăn, có bố, mẹ bị bệnh hiểm nghèo phải cấp cứu tại bệnh viện, khi xuất ngũ về địa phương, số tiền không đủ để thực hiện kế hoạch của mình, với tinh thần "lá lành đùm lá rách", chi đoàn và đơn vị quyên góp, giúp đỡ để chiến sĩ đó thực hiện ước nguyện lập thân, lập nghiệp.

Phong trào thi đua "làm theo" lời Bác Hồ dạy của tuổi trẻ Ðoàn Công binh 550, thông qua thực hiện mô hình "tiết kiệm phụ cấp, hướng tới tương lai", rất thiết thực, hiệu quả, được Ðảng ủy, Bộ Tư lệnh Binh đoàn Cửu Long đánh giá cao, được các cơ quan, đơn vị trong toàn Binh đoàn học tập và triển khai nhân rộng.

Theo Trần Quyết/ Nhân dân

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất