Chủ Nhật, 28/4/2024
Cùng suy ngẫm
Thứ Bảy, 27/8/2016 10:16'(GMT+7)

Trò chơi ảo, hệ lụy thật!

Ngày 16-8 vừa qua, sự việc một người mẹ là khách du lịch được cho là vì mải chơi Pokémon GO trên điện thoại di động nên không để ý và đứa con nhỏ đang nằm trong xe nôi bị gió thổi bay xuống hồ Xuân Hương (Đà Lạt) được lan truyền trên mạng xã hội. Chưa biết thực hư ra sao, song sự việc này đã dấy lên một làn sóng bất bình trước hiện tượng ngày càng có nhiều người mải mê với game (trò chơi) mà bất chấp tính mạng của bản thân và người khác, trong đó Pokémon GO được đề cập nhiều nhất.

Là sản phẩm do Công ty Niantic Labs đưa ra thế giới từ ngày 7-7-2016, Pokémon GO là trò chơi sử dụng tương tác thực tế ảo giữa các con vật hư cấu lồng ghép vào những địa điểm có thực đã được ca-mê-ra điện thoại thu lại, tạo nên không gian sống động như thật trên màn hình. Người chơi buộc phải tìm kiếm, đến tận nơi ẩn náu của các con vật để bắt chúng. Sau gần một tháng ra đời, ngày 6-8, Pokémon GO chính thức ra mắt tại Việt Nam nhưng rất nhanh tạo thành một “cơn sốt” trong giới trẻ. Trên facebook, xuất hiện nhiều trang lấy tên là “Pokémon GO Việt Nam” và khiến nhiều người chơi băn khoăn vì không biết đâu là địa chỉ có thể tin cậy. Trang có thành viên đông nhất hiện nay thu hút hơn 200.000 người thích.

Tại các thành phố lớn như Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Đà Nẵng,… không hiếm gặp cảnh tượng thanh, thiếu niên cắm mặt vào điện thoại di động, đi lại như người mộng du trên đường để bắt bằng được Pokémon! Các nơi tập trung đông người như: công viên, nhà hát, trường học, ngã tư đường,... là địa điểm có nhiều “Pokémon ẩn náu” nên những ngày vừa qua rất nhiều người đổ về đây, gây mất an ninh, trật tự. Đến mức như ở công viên Tao Đàn (TP Hồ Chí Minh), đơn vị bảo vệ phải phát trên hệ thống loa truyền thanh: “Yêu cầu quý khách bắt Pokémon ra về!”, vậy nhưng đến một, hai giờ sáng số người săn lùng Pokémon ở đây vẫn chưa giảm.

Trên thế giới, đã ghi nhận nhiều chuyện đau lòng liên quan tới Pokémon, như: có người đang lái xe vẫn mải mê bắt Pokémon nên bị tai nạn dẫn đến tử vong; bố mẹ ra ngoài tìm bắt Pokémon để mặc con trai 2 tuổi ở nhà suốt 90 phút trong thời tiết nóng bức; có người mải chơi đến nỗi bị ngã xuống vách đá bên bờ biển,... Mới đây, một phụ huynh sau khi thông báo con bị mất tích thì mới phát hiện do con mải mê đi săn Pokémon nên không về nhà! Rồi nữa là tình trạng người chơi bị kẻ xấu cướp giật túi xách, điện thoại trong lúc bắt Pokémon trên đường…

Không chỉ làm mất trật tự nơi công cộng, hiện tượng ngày càng nhiều người mê Pokémon GO đến mức “nghiện” đã đặt ra nhiều vấn đề buộc chúng ta cần phải suy nghĩ. Theo chia sẻ của một người chơi, thì Pokémon GO là trò chơi rất tốn thời gian, vì phải mất 2-3 giờ mới lên được 3 level (mức độ). Tuy nhiên khi đã say, thậm chí máu “ăn thua” nổi lên, trò chơi có thể ngốn từ 5-7 giờ trong một ngày là việc bình thường. Như vậy, điều này ảnh hưởng rất lớn đến sinh hoạt cũng như công việc của mỗi người. Bởi liệu có thể tập trung cho công việc nếu một người luôn thấp thỏm tìm Pokémon trên màn hình điện thoại? Gọi là trò chơi ảo nhưng Pokémon GO có thể mất tiền thật, vì hiện nay đã xuất hiện dịch vụ ăn theo như: mua bán tài khoản, chơi thuê! Theo đó, chỉ cần “chịu chi” là một người không cần mất thời gian ra đường bắt Pokémon cũng có thể sở hữu một tài khoản với level cao, sở hữu nhiều thú độc, có chỉ số mạnh,... Hiện có tài khoản đã được rao bán tới 10 triệu đồng!

Những hiểm họa “tiền mất, tật mang” khi chơi Pokémon không chỉ dừng lại ở đó. Việc cài đặt trò chơi trong điện thoại và cho phép trò chơi tiếp cận tài khoản Google của người chơi trên thiết bị rất có thể sẽ khiến các dữ liệu cá nhân như: email, tài khoản facebook, tài khoản ngân hàng, tài liệu lưu trữ trên Google Drive,... lưu trữ trên điện thoại sẽ bị xâm nhập, đánh cắp. Đồng thời, vấn đề an ninh quốc gia cũng đặt ra khi người chơi sử dụng ảnh chụp thực tế bên ngoài để tương tác trong game. Lo ngại khả năng này và để bảo đảm an ninh quốc gia, I-ran đã ban lệnh cấm Pokémon GO ở nước này. Tại Mỹ, Bộ Quốc phòng cấm nhân viên chơi Pokémon GO trên điện thoại di động do chính phủ trang bị, cấm binh lính chơi game này vì đề phòng làm lộ bí mật địa điểm đóng quân. Tại Đức, hãng xe hơi Volkswagen cấm nhân viên công ty chơi Pokémon GO. Tại Thái-lan, chính phủ yêu cầu nhà sản xuất trò chơi loại bỏ Pokémon khỏi khu vực có các tòa nhà chính phủ, khu vực tôn giáo, khu vực sở hữu cá nhân, các khu vực nguy hiểm như đường sá, kênh rạch,... và nếu nhà sản xuất không chấp thuận, chính phủ sẽ cấm Pokémon GO tại nước này.

Ở In-đô-nê-xi-a, nhiều quan chức đã lên tiếng coi Pokémon GO là “đe dọa an ninh quốc gia”, vì có thể tạo điều kiện cho kẻ xấu xâm nhập vào các căn cứ quân sự, tiếp cận dữ liệu mật. Để ngăn ngừa nguy cơ, trước khi Pokémon GO đến In-đô-nê-xi-a, chính phủ nước này đã ra lệnh cấm cảnh sát, sĩ quan quân đội chơi Pokémon GO. Ở Cam-pu-chia, chính quyền cũng đã cấm người chơi Pokémon GO tại nhà bảo tàng tội ác diệt chủng của Khmer Ðỏ, khi họ cầm điện thoại di động tìm kiếm thú ảo ở trung tâm tra tấn, nhà tù. Đến nay, nhiều nước, tập đoàn kinh tế lớn đang xem xét việc cấm trò chơi Pokémon GO.

Tại Việt Nam, trước thực tế vấn đề và để giảm tai nạn, rủi ro có thể xảy ra với người chơi Pokémon GO, gây mất trật tự xã hội, an ninh quốc gia, vừa qua, Bộ Thông tin và Truyền thông đã khuyến nghị người chơi tuân thủ năm nguyên tắc cụ thể. Và theo đại diện Bộ Thông tin và Truyền thông: “Pokémon GO được cung cấp từ nước ngoài, máy chủ cũng đặt ở nước khác, nhà phát hành, nhà sản xuất đều ở nước khác và họ cung cấp xuyên biên giới vào Việt Nam. Trò chơi này không được cấp phép hoạt động ở Việt Nam... Bộ Thông tin và Truyền thông là cơ quan thẩm định và duyệt các trò chơi online. Song, do trò chơi này chưa được cấp phép, tức là chưa được thẩm định và chưa được pháp luật bảo vệ nên người chơi sẽ gặp nhiều rủi ro”. Được biết hiện nay Bộ Thông tin và Truyền thông đã liên hệ để đưa ra yêu cầu với nhà sản xuất và phát hành game Pokémon GO phải tuân thủ pháp luật Việt Nam, nếu không cơ quan quản lý nhà nước sẽ có biện pháp thích hợp. Đây được xem là động thái cứng rắn, hết sức cần thiết để bảo vệ người chơi, giúp cho môi trường in-tơ-nét lành mạnh cũng như kịp thời ngăn chặn hậu quả từ game có thể ảnh hưởng đến trật tự công cộng, thuần phong mỹ tục và an ninh quốc gia.

Cách đây vài năm, khi game “Nông trại vui vẻ” đang thịnh hành, đâu đâu cũng thấy “game thủ” cày cuốc trồng cây, hái quả, trông coi vườn tược khỏi bị hàng xóm sang ăn trộm. Có nhân viên công sở, việc đầu tiên đến cơ quan là vào máy tính xem thành quả trồng cấy, trong khi lại xao lãng công việc của cơ quan! Tuy nhiên, so với các game được xếp hàng “hot” hiện nay như: Thiên Long bát bộ, X Tam Quốc, MU Vô song, Truy kích, Battleborn, Overwatch... thì “Nông trại vui vẻ” vẫn là trò chơi nhẹ nhàng. Các game được xem là “hót” đã và đang khiến rất nhiều người tốn thời gian trước màn hình máy tính. Đã có nhiều chuyện đau lòng về thanh niên thức thâu đêm chơi game, tốn tiền cho việc nâng cấp level thể hiện “đẳng cấp”, rồi từ đánh nhau trên mạng ảo mà có người mang cả hận thù vào đời thật. Đã có một số học sinh vì mê muội với game online mà lấy tiền của bố mẹ để “nướng” vào quán game.

Tình trạng quán game “phong tỏa” nhiều cổng trường học đã làm cho không chỉ các phụ huynh, nhà trường mà cả cơ quan chức năng lo ngại. Đã có nhiều ý kiến đề nghị dẹp bỏ các địa điểm kinh doanh trò chơi điện tử trước cổng trường học. Nhưng dẹp chỗ này, quán nét lại mọc ở chỗ khác. Trước xu hướng chơi Pokémon GO ngày càng “tăng nhiệt”, nhiều người đến 4-5 giờ sáng vẫn không chịu về nhà chỉ vì mải “bắt Pokémon”, có độc giả bình luận: “Thời gian, tiền bạc được sử dụng lãng phí một cách vô ích”; “An ninh trật tự, an toàn giao thông, học hành, công việc... đang bị đảo lộn do trò chơi này gây ra. Tương lai gì đang chờ phía trước chúng ta khi trò chơi này ngày càng lan rộng ra nhiều tầng lớp trong xã hội?”, “Phải chăng các bạn đang là nô lệ cho một trò chơi vô bổ? Nếu cho là trò chơi thích thú thì sẽ “nghiện”, mà đã “nghiện” rồi sẽ dẫn đến nhiều tiêu cực”; và cảnh báo: “Rồi một ngày không xa, ai cũng sẽ nhận ra: ta đang vùi đầu và tìm kiếm hạnh phúc trong đời sống ảo”.

Với sự phát triển của khoa học và công nghệ, ngày càng có nhiều trò chơi trên thiết bị điện tử được tạo ra để phục vụ nhu cầu giải trí của con người. Điểm nổi bật của các trò chơi này là liên tục thay thế, tạo ra sự hấp dẫn mới. Chính các “game thủ” thừa nhận dù trò chơi hay đến đâu thì “vòng đời” cũng chỉ khoảng 3-6 tháng, sau đó có game mới hấp dẫn hơn ra mắt, và lập tức soán ngôi trò chơi mà mới đây còn khiến nhiều người điên đảo. Vì vậy “cơn sốt” trò chơi Pokémon GO cũng chỉ là nhất thời, nhưng dù nhất thời thì cũng không thể xem nhẹ hệ lụy tiêu cực từ trò chơi này. Sự phát triển, tri thức và bản lĩnh, khả năng khám phá và sáng tạo, ý nghĩa tồn tại,… của mỗi người luôn bắt đầu từ các yếu tố mang tính hiện thực, chứ không từ những việc phù phiếm, trò chơi trên thế giới ảo. Và lưu ý điều một độc giả đã viết: “Nếu một chiều nào đó rảnh rỗi, bạn đừng GO vì Pokémon mà hãy ở nhà phụ mẹ bạn nấu cơm chiều một lần. Quan sát vẻ mặt của bà, bạn sẽ cảm nhận được các giá trị giản đơn nhưng đôi khi lại quá xa xỉ đối với không ít người”.

Theo Nhân dân

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất