Thứ Tư, 27/11/2024
Nghiên cứu trao đổi
Thứ Hai, 21/12/2009 21:43'(GMT+7)

Hình tượng người lính với sự phát triển của nền ca khúc cách mạng Việt nam

(Ảnh minh hoạ)

(Ảnh minh hoạ)

Nói đến âm nhạc Việt Nam, ngay cả đến hôm nay khi chúng ta đã có được ít nhiều thành tựu về khí nhạc, thì chủ yếu vẫn là ca khúc (chiếm tới 90%). Nền ca khúc cách mạng Việt Nam bắt đầu manh nha hình thành từ sau khi có Đảng ra đời, đặc biệt là sự xuất hiện hàng loạt bài hát có sức cổ vũ mạnh mẽ quần chúng tham gia cách mạng giai đoạn tiền khởi nghĩa của các nhạc sĩ Lưu Hữu Phước, Đỗ Nhuận, Văn Cao, Đinh Nhu, Phan Huỳnh Điểu.

Có thể nói lịch sử dân tộc Việt Nam chính là lịch sử chống xâm lược, bởi gần như trong suốt quá trình hình thành và phát triển cộng đồng dân tộc, chúng ta không lúc nào không bị ngoại bang nhòm ngó thôn tính. Từ khi có Đảng, nhất là từ khi Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà ra đời, liên tiếp nhiều thế lực ngoại xâm buộc dân tộc ta phải cầm súng. Chính bởi vậy, hơn bất cứ ở nơi đâu, bất cứ dân tộc nào trên thế giới, hình ảnh người chiến sĩ vệ quốc mà nhân dân ta vẫn quen gọi bằng cái rất đỗi thân thương: Anh Bộ đội Cụ Hồ luôn gần gũi gắn bó với tất thảy mọi người. Cũng có thể nói: người lính là một trong những hình tượng trung tâm cuả nền văn nghệ Cách mạng Việt Nam, bởi văn nghệ chân chính không thể không mang hơi thở cuả thời đại, mà hơi thở ấy cuả người Việt Nam như đã nói chủ yếu lại là việc bảo vệ Tổ Quốc. Đương nhiên là ca khúc - lĩnh vực chủ yếu cuả âm nhạc- không nằm ngoài điều đó.

Một cái nhìn tổng hợp, khái quát nhất, có thể thấy rõ một điều: trong nền ca khúc cách mạng Việt Nam, những bài hát hay nhất đều hoặc là trực tiếp hoặc gián tiếp nói về người lính. Và những nhạc sĩ nổi tiếng, có sự nghiệp sáng tác lớn nhất đều đang hoặc từng mặc áo lính; đồng thời những tác phẩm có giá trị lớn nhất của họ cũng không nằm ngoài chủ đề đang bàn. Người lính hiện ra trong ca khúc, dù là tác phẩm dành cho hát tập thể hay cá nhân, dù là phản ánh cuộc sống cuả họ trong chiến tranh hay trong hoà bình, dù trực tiếp miêu tả hay thông qua nhiều mối quan hệ khác, luôn là những ngươì có lý tưởng và lạc quan. Đó chính là đặc điểm nổi bật nhất. Chính vì có lý tưởng rõ ràng nên mới lạc quan và sở dĩ lạc quan vì có lý tưởng. Mối quan hệ biện chứng giữa 2 điều đó thật giản dị dễ hiểu. Và lý tưởng cuả họ cũng hết sức bình dị: chiến đấu cho sự sống còn cuả Tổ Quốc, để bảo vệ quê hương, đất nước trong đó có những ngươì ruột thịt. Người lính cách mạng là con em của nhân dân, phần lớn từ nông dân mà ra nên vốn dĩ họ rất yêu hoà bình, chỉ mong sống yên ổn nơi mảnh đất chôn rau cắt rốn nhưng vì kẻ thù xâm lược buộc họ phải cầm súng, ra chiến trường.

Bài Hát mãi khúc quân hành cuả Diệp Minh Tuyền đã khái quát được toàn bộ bản chất của anh bộ đôi Cụ Hồ: “Dù rằng đời ta thích hoa hồng, kẻ thù buộc ta ôm cây súng. Ta yêu sao làng quê non nước mình, tình quê hương vút thành thanh âm khúc quân hành ca...”. Các anh “ôm cây súng” chỉ là điều bắt buộc. Nhưng đó chính là kẻ thù bắt buộc, và cũng bởi vì các anh yêu “làng quê non nước mình” và vốn dĩ “thích hoa hồng” nên mới phải “ôm cây súng”. Bài hát cuả Diệp Minh Tuyền chính là bước nối tiếp tự nhiên với Vì nhân dân quên mình cuả Doãn Quang Khải - một cán bộ chính trị trong quân đội cầm bút sáng tác. Có thể nói Vì nhân dân quên mình là bài hát đầu tiên nói về người lính khá toàn diện, sâu sắc lại cô đọng hàm súc, được hết thảy bộ đội nhiều thế hệ và nhân dân ưa thích. Cũng có thể nói sự nổi tiếng, tầm ảnh hưởng và tác dụng cổ vũ lớn lao cuả bài này chỉ đứng sau bài Tiến quân ca. Nếu tác phẩm cuả Văn Cao được Chính phủ, Bác Hồ và nhân dân ta tôn vinh, dùng làm Quốc ca thì bài hát cuả Doãn Quang Khải mặc nhiên sự thật đã trở thành Quân ca, vì không người dân, chiến sĩ nào lại không biết và yêu mến. Ở bài hát này, tôn chỉ mục đích hành động, lý tưởng sống chiến đấu cuả ngươì lính Cách mạng đã được nêu rõ một cách tự nhiên đầy sức thuyết phục: “Vì nhân dân quên mình, vì nhân dân hy sinh”, và “Đoàn Vệ quốc chúng ta, từ nhân dân mà ra, được dân mến, được dân tin muôn phần”. Tất cả những điều đó đã trải dài, xuyên suốt thấm đượm trong toàn bộ nền ca khúc Cách mạng Việt Nam.

Sư nhất quán về động cơ chiến đấu, về phẩm chất hy sinh, vị tha cuả người lính đã tạo nên sức thuyết phục cho hình tượng, lại được các nhạc sĩ tìm đến bằng những ngôn ngữ âm nhạc giàu sức biểu cảm, trong đó yếu tố dân tộc với việc triệt để khai thác các chất liệu dân gian luôn được chú trọng. Ngay từ những bài hát đầu tiên nói về những người vệ quốc, du kích, cảm tử quân của các tác giả Phan Huỳnh Điểu, Đỗ Nhuận, Đinh Nhu, Hoàng Quý đã hừng hực một ngọn lửa yêu nước thương nòi và thấm đượm hồn dân tộc trong chất liệu âm nhạc.

Một trong những những khía cạnh lớn nhất làm nên vẻ đẹp của nền ca khúc cách mạng Việt Nam - như đã nói - chính là vẻ đẹp cuả người lính Cụ Hồ được các nhạc sĩ thể hiện. Dù là trực tiếp nói đến họ gắn liền với những mặt trận chiến công (Chiến thắng Điện Biên, Trên đồi Him Lam, Hò kéo pháo của Đỗ Nhuận; Qua miền Tây Bắc của Nguyễn Thành; Giải phóng quân ta ra đi của Triều Dâng; Bài ca giải phóng quân cuả Lưu Hữu Phước; Những dũng sĩ Núi Thành cuả Trọng Bằng...) hay xuất hiện lẩn đi trong những nội dung khác, bao giờ họ cũng hiện ra với tất cả những gì vừa cao đẹp, lý tưởng lại vừa gần gũi yêu thương; vừa như là che chở bảo vệ cho dân lại vừa như được dân che chở bảo vệ.

Và tình quân dân cá nước còn là một khía cạnh nội dung luôn được thể hiện trong rất nhiều ca khúc. Đặc điẻm này chỉ có thể có đối với một đội quân Cách mạng vì họ là con đẻ cuả nhân dân và đi chiến đấu vì dân, cho dân. Còn tất cả những đội quân phi nghĩa tức là đi đánh thuê, đi xâm lược thì không thể có. Rất tự nhiên, trong ca khúc cách mạng Việt Nam, chủ đề tình quân dân cá nước được thể hiện rất rõ. Có khi là đề cập trực tiếp như bài Tình quân dân một lòng (Lê Lôi), Qua sông ( Phạm Minh Tuấn), Bài ca may áo ( Xuân Hồng), Gửi anh đi đầu quân (Nguyễn Đình Phúc), Khâu áo gửi người chiến sĩ (Nguyễn Đức Toàn), Tấm áo chiến sĩ mẹ vá năm xưa ( Nguyễn Văn Tý)... Có khi chỉ xuất hịện bằng một vài chi tiết nhưng cũng đủ sáng lên mối quan hệ gắn bó thắm thiết quân dân (Quê em cuả Nguyễn Đức Toàn, Ngày mùa cuả Văn Cao, Làng tôi cuả Hồ Bắc...)

Đối với dân tộc Việt Nam, dấu ấn chiến tranh luôn in hằn sâu đậm trong tâm khảm mỗi người dân. Gắn liền với điều đó dĩ nhiên là hình ảnh những ngưòi lính. Những ngày tháng hoà bình cuả người Việt Nam dẫu có được kéo dài tới nhiều thập kỷ nhưng so với lịch sử suốt mấy ngàn năm cầm vũ khí bảo vệ Tổ quốc, thật chẳng thấm vào đâu. Cho nên ngay cả giữa những ngày hoà bình, hình ảnh các anh bộ đội vẫn hịện ra khá đậm nét trong nhiều bài hát và vẫn chiếm một dung lượng cảm xúc đáng kể đối với nhiều nhạc sĩ. Huy Du với Hàng dừa xanh, Nguyễn Đức Toàn với Mời anh đến thăm quê tôi, Bửu Huyền với Trên đường ta đi tới... cùng với hàng trăm nhạc sĩ khác đã khắc hoạ rất sinh động người lính trong thời bình trên mặt trận lao động sản xuất bằng những ca khúc nổi tiếng của mình, góp phần hoàn chỉnh thêm bức chân dung người lính cách mạng.

Và nói đến sự hoàn chỉnh này không thể không nói đến những người lính quân đội nhân dân hoặc là đã vĩnh viễn yên nghỉ nơi chiến trường hoặc là đã gửi lại nơi đó một phần máu thịt cho sự trường tồn cuả Tổ Quốc. Đó là những liệt sĩ, thương binh - những người con trung hiếu cuả dân tộc. Ca khúc cách mạng Việt Nam cũng đã có một khối lượng đáng kể viết về đề tài này với những tác phẩm bất hủ cuả nhiều nhạc sĩ mà trong đó nổi bật nhất, nhiều thành tựu nhât phải kể đến nhạc sĩ quân đội Nguyễn Đức Toàn. Ông đã có đến mấy chục bài hát viết về các liệt sĩ với rất nhiều tên tuổi còn lưu danh mãi trong sử vàng Việt Nam: Võ Thị Sáu, Lý Tự Trọng, Nguyễn Văn Trỗi, Nguyễn Viết Xuân, Ngô Mây...

Chiến tranh gắn liền với hy sinh, mất mát. Có vậy chiến thắng mới đích thực vẻ vang. Nhưng đó là những bi kich lạc quan. Thương binh liệt sĩ đã là một chủ đề tôn tạo thêm vẻ đẹp hoàn chỉnh cuả những người lính cách mạng Việt Nam.

Từ những ca khúc khái quát nhất: Chiến sĩ Việt nam (Văn Cao), Vì nhân dân quên mình (Doãn Quang Khải), Hành quân xa (Đỗ Nhuận), Tiến bước dưới quân kỳ (Doãn nho), Hành quân đêm (Xuân Hồng). Bước chân trên dảỉ Trường Sơn (Vũ Trọng Hối), Khúc quân hành trên bán đảo (Cát Vận), Khúc quân hành mùa xuân (Nguyễn Đình San), Hành quân lên Tây Nguyên (An Thuyên), Hát mãi khúc quân hành (Diệp Minh Tuyền)... đến những bài hát đề cập mọi khía cạnh trong đời sống sinh hoạt hoặc thế giới tinh thần cuả người chiến sĩ… nền ca khúc cách mạng Viêt Nam quả là đã trưởng thành, phát triển nở rộ thành tựu trên cơ sở hình tượng trung tâm là người lính. Đó là một điều độc đáo có lẽ chỉ có nền âm nhạc Việt Nam. Và hình tượng này sẽ mãi mãi còn là nguồn cảm hứng sáng tạo vô tận đối với những nhạc sĩ chân chính, bởi chắc chắn người lính cách mạng sẽ luôn là một đối tượng mang tính thẩm mỹ, và lịch sử phát triển cuả quân đội đã từng gắn liền với sự phát triển cuả cách mạng.

Dẫu ngày hôm nay, người ta có thể phát sinh những nhu cầu giải trí trong lĩnh vực âm nhạc nhưng một số đông công chúng vẫn không thể thiếu trong đời sống tinh thần của họ viêc thưởng thức những bài hát hay nhất về người lính. Đó là một sự thực chắc chắn luôn có sức động viên cổ vũ lớn những ngòi bút tâm huyết với đất nước dân tộc./.

Thôn Ca

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất