Thứ Bảy, 28/9/2024
Nghiên cứu trao đổi
Thứ Ba, 22/12/2009 14:58'(GMT+7)

Nhu cầu ca nhạc cuả chiến sĩ hôm nay

Trong đời sống tinh thần cuả người chiến sĩ hôm nay, ca nhạc đóng vai trò rất quan trọng mặc dù chiến sĩ có thể yêu thích cả nhiều loại hình nghệ thuật khác: Sân khấu, điện ảnh, hội hoạ, văn học. Đối với phần đông chiến sĩ ở khắp mọi miền đất nước nhất là các vùng biên giới hải đảo, họ không dễ được thưởng thức sân khấu, phim ảnh và đọc các tác phẩm văn học. Hơn nữa đến với những loại hình này đòi hỏi phải tốn thời gian mà đối với bộ đội điều đó khó có được. Như vậy âm nhạc thuận lợi hơn trong việc “làm bạn” với người chiến sĩ. Chỉ cần một chiếc đài bán dẫn nhỏ mang theo người, một cây đàn ghi-ta và chỉ cần dăm bảy phút là chiến sĩ có thể đến với âm nhạc. Về phương diện ngôn ngữ, loại hình thì âm nhạc tỏ ra có sức mạnh trực tiếp nhất đối với người nghe. Thực tế cho thấy nhu cầu lớn nhất về thưởng thức nghệ thuật cuả người chiến sĩ là dành cho âm nhạc.

Trong nhiều năm qua, góp phần tạo nên diện mạo tinh thần, bồi dưỡng tâm hồn cho nhiều thế hệ chiến sĩ, có công sức lớn lao cuả đội ngũ nhạc sĩ Việt Nam. Bằng rất nhiều tác phẩm ra đời trong suốt chiều dài lịch sử, gắn với các cuộc kháng chiến, giới nhạc sĩ đã in dấu ấn sâu đậm trong đời sống chiến sĩ.

Hôm nay, đội ngũ chiến sĩ đã có nhiều điều khác trước: trẻ trung hơn, có trình đô văn hoá, khoa học kỹ thuật cao hơn, từ đó dẫn đến những yêu cầu đòi hỏi của họ đối với nghệ thuật âm nhạc cũng lớn hơn trước. Đặc biệt là “gu” thẩm mỹ cuả họ cũng đa dạng phong phú bởi vì hôm nay đứng trong đội quân hùng hậu cuả lực lượng vũ trang có rất nhiều tầng lớp xã hội mặc áo lính: nông dân, công nhân, tiểu tư sản, trí thức, thị dân, sinh viên... Bởi vậỵ sẽ rất đơn giản và xa lạ với chiến sĩ - một quan niệm đã từng nhiều năm ngự trị trong một số người - là chỉ nên đem đến cho chiến sĩ những sáng tác nói về họ, gần gũi với họ. Theo quan niệm này, bất cứ sáng tác nào không gắn với họ, nhất là lại đề cập đến tình yêu thì dù hay hoặc dở đều “không cần thiết” để chiến sĩ thưởng thức. Bởi vậỵ chẳng có gì đáng ngạc nhiên khi ta thấy có một thời hễ cứ phát thanh ca nhạc “dành cho chiến sĩ” là chỉ toàn những bài hát sôi sục khẩn trương mà dè dặt và tỏ ra kiêng kỵ những giai điệu mềm mại trữ tình, càng ngại ngần đối với việc bài hát xuất hiện “anh em” tha thiết. Và các Biên tập viên âm nhạc ở đài phát thanh thời ấy đã rất ít sử dụng nhũng bài hát viết ở giọng thứ dành cho hát đơn ca. Tất nhiên ở thời điểm nóng bỏng cuả các cuộc kháng chiến rất cần những bài hát sôi nổi khẩn trương nhằm cổ vũ khích lệ. Nhưng đó lại là việc khác. Điều đáng nói ở đây là ngay cả lúc yêu cầu trên không xảy ra người ta vẫn chưa có được một quan niệm chính xác là: tác dụng và hiệu quả cuả nghệ thuật chỉ phát huy được thông qua sự rung động thẩm mỹ (ngay cả những tác phẩm mang tính hô hào cổ vũ động viên số đông người, ví như bài Giải phóng miền Nam cuả Huỳnh Minh Siêng cũng phải đạt yêu cầu đó)

Tôi có dịp thâm nhập đời sống chiến sĩ ở nhiều vùng đất nước, đã thấy một sự thật: Càng xa xôi hẻo lánh anh em càng khao khát thưởng thức ca nhạc và càng thích những bài hát trữ tình, có sức lay động lòng người. Cái cuốn hút họ là bài hát có giai điệu hay với lời ca giàu chất văn học. Tất nhiên viết về người lính mà hay là điều rất quý đối với họ. Bài hát nào đạt đều được anh em đặc biệt ưa thích. Điều đó chứng tỏ họ rất tự ý thức về mình và đòi hỏi rất cao ở người sáng tác.

Cánh lính trẻ đặc biệt thích tình ca. Đừng nghĩ họ chỉ thích nhạc nhẹ. Họ tỏ ra thích tất cả các loại, các phong cách ca khúc (mà giới học thuật vẫn gọi là dòng nhạc nhẹ, dân gian, bác học). Một kết quả khảo sát nho nhỏ cho thấy, đa số chiến sĩ trẻ đều rất thích Về quê (phong cách dân gian) và nhiều người không thích Lời tỏ tình cuả mùa xuân (nhạc nhẹ) nhưng cũng dòng nhạc nhẹ, phần lớn họ lại thích Chuyện tình cuả biển. Có lẽ cái say đắm lãng mạn và nhân tình, vị tha cao đẹp thể hiện ở trong bài “Chuyện tình của biển” phù hợp với tình cảm cuả anh em chiến sĩ hơn. Giai điệu bài hát bài hát ngọt ngào sâu lắng nhưng không uỷ mị. Người lính không thích sự yếu đuối, sướt mướt cũng như không thích sự ồn ào lên gân. Tôi nghiệm thấy rằng, những bài hát nào đạt được những yếu tố sau đây đã được họ đặc biệt yêu thích: về nội dung, nói đến tình yêu đôi lứa hoặc quê hương đất nước. Về nghệ thuật: sử dụng chất liệu dân gian nhưng được nhạc sĩ nâng lên tầm hiện đại bằng bàn tay sáng tác có nghề, đừng quá lắt léo khó hát, phải có giai điệu đẹp, sinh động lôi cuốn…

Ngoài nhu cầu nghe, chiến sĩ hôm nay còn có nhu cầu hát. Những bài hát để họ hát đơn ca thì nhiều, nhưng để họ cùng hát tập thể (hình thức tốp ca, đồng ca) thì còn quá hiếm những bài hay.

Các nhạc sĩ hiện nay có khuynh hướng sao nhãng sáng tác bài hát tập thể. Sinh hoạt tập thể gắn bó hàng ngày với đời sống chiến sĩ. Một nhu cầu lớn: tất cả cùng hát, cùng hoà nhập trong thế giới âm thanh trong sáng, lành mạnh khiến tâm hồn sảng khoái thanh thản. Ngày trước những đêm sinh hoạt lửa trại trong kháng chiến chống Pháp đã khiến giới sáng tác có được nhiều bài hát tập thể, được anh em Vệ quốc lưu truyền mãi. Nên chăng chúng ta cần đặc biệt quan tâm đến sinh hoạt tập thể hiện nay của bộ đội. Để có được nhiều bài hát hay, cần có tổ chức những cụôc vận động chính quy đối với giới nhạc sĩ sáng tác bài hát tập thể cho chiến sĩ (chứ không chỉ là hành khúc- bài hát tập thể và hành khúc là hai loại không hoàn toàn giống nhau)

Đáp ứng nhu cầu phong phú cuả chiến sĩ hôm nay là nhiệm vụ nặng nề cuả giới âm nhạc, đồng thời cũng chính anh em chiến sĩ là động lực thúc đẩy nhiều bài hát có giá trị ra đời. Đó là hạnh phúc đối với người sáng tác./.

Nhạc sĩ  Nguyễn Đình San

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất