Thứ Tư, 27/11/2024
Nghiên cứu trao đổi
Chủ Nhật, 3/1/2010 7:31'(GMT+7)

"Chỉ chạy theo dòng phim giải trí là không ổn"

Đạo diễn Đỗ Thanh Hải. (Ảnh: TT&VH).

Đạo diễn Đỗ Thanh Hải. (Ảnh: TT&VH).

Rất có thể sự “mất mùa” của phim Việt ở liên hoan lần này phản ánh đúng biểu đồ phát triển của phim Việt năm qua với nhiều bất ổn.

Đạo diễn Đỗ Thanh Hải, Giám đốc Trung tâm Sản xuất phim truyền hình Việt Nam (VFC) đã trao đổi xung quanh vấn đề này.

Thưa ông, trong khuôn khổ Liên hoan truyền hình toàn quốc lần thứ 29 sẽ có một hội thảo về phim truyền hình do VFC chủ trì. Hội thảo này sẽ bàn về những vấn đề gì vậy?

Đạo diễn Đỗ Thanh Hải: Năm 2009 tiếp nối chủ trương đã triển khai năm 2008, khi Đài Truyền hình Việt Nam chia hai giờ phát sóng cho phim truyền hình Việt. Năm 2009, chúng ta thấy rõ hơn dấu ấn của các đơn vị xã hội hóa.

Nhưng bên cạnh yếu tố mới mẻ cũng đã bộc lộ những thách thức với những người làm phim truyền hình. Rõ ràng đã có hai xu hướng là làm phim bám sát hiện thực đời sống và những câu chuyện phim về đời sống đô thị, tình yêu lãng mạn nhằm thu hút một bộ phận khán giả.

Hội thảo, với sự tham gia của đại diện một số cơ quan báo chí, những người làm truyền thông, các đơn vị liên kết sản xuất, phát hành có uy tín và những người làm nghề, sẽ mổ xẻ vấn đề này.

Chúng tôi sẽ nhìn nhiều chiều, lắng nghe các ý kiến để thấy cần quan tâm yếu tố nào để gây dựng một nền phim truyền hình Việt Nam phát triển bền vững, chứ không chỉ là “đến đâu hay đến đấy”.

Xin ông cho biết quan điểm riêng về những vấn đề nói trên?

Đạo diễn Đỗ Thanh Hải: Tôi là một người gắn bó với nghiệp này nên tôi quan niệm phải làm thế nào để phim Việt không ăn xổi. Thực tế, năm nay, hay năm sau thấy loại phim này đang có thể thu được lợi nhuận thì người ta lại đổ xô vào làm mà không cần biết nó phát triển đến đâu.

Là người làm nghề, tôi thấy cần tỉnh táo trước những bộ phim gây sự quan tâm cũng như phải bình tĩnh phân tích nó hay, dở ra sao để từ đó xác định hướng đi lâu dài. Một môtíp làm phim “ăn khách”, nhưng làm lại lần thứ nhất, rồi lần thứ hai thì có thể không thu hút được khán giả nữa.

Dự án phim sitcom "Những người độc thân vui vẻ" - một thể loại mới với cách làm mới do VFC thực hiện nhưng năm qua đã kết thúc trong dang dở. Các ông có rút kinh nghiệm gì từ điều này?

Đạo diễn Đỗ Thanh Hải: Như tôi đã nói, phim thành công hay không thành công thì mọi người ngồi lại với nhau xem được gì và chưa được gì. Quan trọng ta đi qua một bước để nhìn lại xem bước thứ hai, thứ ba ta sẽ đi thế nào, chứ không phải vì bước đầu tiên vấp ngã mà ta không đi tiếp nữa.

Mong muốn của người thực hiện "Những người độc thân vui vẻ" là mang đến cho khán giả món ăn tinh thần mới. Nhưng theo tôi, điều đó hiện nay chưa phù hợp. "Friends" rất thành công ở Mỹ, nhưng không thành công ở nhiều thị trường.

Sau "Những người độc thân vui vẻ" chúng tôi đã học được công nghệ mới là làm phim trong trường quay.

Ông dự đoán thế nào về bộ mặt phim truyền hình năm 2010?

Đạo diễn Đỗ Thanh Hải: Sẽ đa dạng hơn về đề tài. Nhà đài đã nhận ra xu hướng chạy theo một dòng phim giải trí như năm qua là không ổn. Cần có sự cải tiến mạnh trong sắp xếp và tính toán đề tài đặt hàng đơn vị xã hội hóa, chứ không để họ thấy đề tài ăn khách là lao vào làm. Không thể chê trách vì họ nhanh nhạy về thị trường.

Nhưng bản thân người cầm trịch là Đài Truyền hình Việt Nam phải có căn chỉnh phù hợp. Ví dụ có thể ưu tiên những đề tài về hiện thực cuộc sống.

Hơn nữa, 2010 sẽ có những phim được VFC chuẩn bị từ 2009 khi chuyển đổi từ cách làm phim ngắn tập sang dài tập: "Bí thư tỉnh ủy" (50 tập), "Cảnh sát hình sự" (60 tập), "Nếp nhà" (40 tập) - bộ phim về văn hóa và con người Hà Nội.

Xin cảm ơn ông!

Thu Hằng (TT&VH/Vietnam+)
Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất