Thuở thiếu thời, tôi có nghe ông tôi kể một truyện dân gian nước ngoài. Lớn lên, càng ngẫm càng thấy sâu sắc.
Truyện kể rằng: Ngày xửa ngày xưa, đã lâu lắm rồi, có một người cha, một người con và một con lừa cùng nhau vượt một chặng đường dài.
Lúc đầu, người cha đi bộ, còn người con cưỡi trên lưng con lừa. Đi được một đoạn, bên đường có một người la lên: "Trời ơi, thật chả ra làm sao cả! Bố thì vất vả, con thì sung sướng! Thật là bất công!".
Nghe vậy, người cha bèn làm ngược lại: Để con đi bộ, còn mình thì cưỡi trên lưng con lừa. Đi được một đoạn, bên đường lại có một người la lên: "Trời ơi, thật chả ra làm sao cả! Con thì vất vả, bố thì sung sướng. Thế chả nhẽ ông không thương con ông sao?".
Nghe vậy, người cha lại nghĩ ra một cách làm khác: Hai bố con cùng ngồi trên lưng con lừa. Đi được một đoạn, bên đường lại có một người la lên: "Trời ơi, thật chả ra làm sao cả! Mọi người ơi, ra mà xem hai bố con nhà kia đang hành hạ con lừa kìa!".
Nghe vậy, người cha lại làm ngược lại: Hai bố con cùng khiêng con lừa trên vai qua một cây gỗ dài. Đi được một đoạn, bên đường lại có một người la lên: "Trời ơi, thật chẳng ra làm sao cả! Con lừa có phải bố của họ đâu mà họ lại làm thế nhỉ? Người sao mà kém cỏi trong cách hành xử thế không biết!".
Kể đến đây thì ông tôi tạm kết luận: Ông bố trong truyện này đã làm cái việc "đẽo cày giữa đường". Ở đời, việc gì của mình thì mình làm theo cách của mình, sao cho hợp lý, hợp tình thì thôi, chả nên chạy theo người ta làm gì. Đơn giản vì người ta đâu phải là mình.
- Thế nếu ông bố trong truyện nói trên cứ để cả hai người và cả con lừa cùng đi bộ thì sao ạ?
- Thì có thể có người vẫn chê. Có người sẽ la lên: "Con lừa sinh ra để "ưa nặng" (thành ngữ: thân lừa ưa nặng). Tại sao bố con nhà kia không… cưỡi con lừa, lại "ưa nặng" như con lừa chẳng hạn. Người đâu mà ngu đến nỗi không để đâu cho hết ngu!".
Lớn lên, nhập vào giới cầm bút, tôi mới hay: Làm thơ càng không phải là làm cái việc của kẻ "đẽo cày giữa đường" được.
Bằng chứng là nếu anh viết kiệm lời quá, có người chê: Khô quá, gầy gò quá. Nếu anh viết theo cảm xúc, có người chê: Như thế là chưa biết làm chủ ngòi bút của mình. Nếu anh viết tròn trịa quá, có người chê: Cầu toàn, cầu toàn quá. Nếu anh viết cho riêng anh, có người chê: Cá nhân, cá nhân quá.
Nếu anh viết cho số đông, có người chê: Thơ là sự cá thể hóa, cá nhân hóa một cách sâu sắc, vậy nếu làm thế thì cái tôi của anh ở đâu. Nếu anh viết toàn thơ ngắn, có người chê: Đoản hơi, đoản hơi quá. Nếu anh viết toàn thơ dài, có người chê: Thơ vốn cô đọng, khúc chiết, nếu mà cứ kéo dài thơ ra như thế thì có khác gì chống lại thơ…
Trên thực tế, có người viết thật nhà quê (chữ dùng của Hoài Thanh) mà vẫn hay như Nguyễn Bính, có người viết thật bác học mà vẫn hay như Chế Lan Viên, có người viết thật bản năng mà vẫn hay như Xuân Quỳnh; có người chỉ ưa tổng thể, không quá coi trọng chi tiết mà vẫn hay như Phạm Tiến Duật; có người viết thật duy tình, thật chân thành mà vẫn hay như Tế Hanh…
Tất nhiên, các nhà thơ nêu trên không chỉ thuần túy là "nhà quê", "bác học", "bản năng", "ưa tổng thể không coi trọng chi tiết", "thật duy tình, thật chân thành"…
Tóm lại, viết làm sao cho hợp với sở trường của mình, cái tạng của mình, cái cốt cách của mình…để có những tác phẩm có giá trị, mới là khó. Còn cứ chạy theo người ta theo kiểu người đàn ông trong truyện dân gian nước ngoài mà ông tôi kể ở trên… thì mệt lắm và có khi sẽ không đi đến đâu cả./.
(Đặng Huy Giang/CAND)