Thứ Bảy, 28/9/2024
Nghiên cứu trao đổi
Chủ Nhật, 3/1/2010 19:45'(GMT+7)

Tài năng và bản lĩnh nghệ thuật

Lầu Hoàng Hạc hiện nay và bài thơ chữ Hán của Thôi Hiệu.

Lầu Hoàng Hạc hiện nay và bài thơ chữ Hán của Thôi Hiệu.

Còn cho rằng biện pháp vật hóa thì ngược lại, là để hạ thấp những kẻ có nhân cách và hành động thấp hèn. Chẳng hạn khi nhà thơ Tố Hữu viết về kẻ thù: "Đàn tép mà ép biển khơi/ Quạ đen che ánh mặt trời được chăng?".

1. Không còn thủ pháp

Thực ra, nhân hóa hay vật hóa chỉ là một thủ pháp nghệ thuật. Nhân hóa cũng có thể không phải để đề cao. Ví như, truyện rắn báo oán, hay hành động của đại bàng cướp công chúa... Còn vật cách hóa cũng không phải chỉ để hạ thấp, mà vẫn dùng để đề cao, ca ngợi. Vấn đề là nhà văn, nhà thơ sử dụng thủ pháp đó như thế nào.

Và đôi khi hai thủ pháp nghệ thuật này được trộn lẫn, tạo nên hình tượng nghệ thuật có sức mạnh khác hẳn, ấy là khi người đọc không còn thấy thủ pháp nghệ thuật nữa, như ông vua thi sĩ Trần Nhân Tông viết: "Xã tắc hai phen chồn ngựa đá/ Non sông vạn thuở vững âu vàng".

Nhà thơ Chế Lan Viên viết: "Mỗi chú bé đều nằm mơ ngựa sắt/ Mỗi con sông đều muốn hóa Bạch Đằng". Rồi thi sĩ Tố Hữu viết về Bác Hồ: "Như đỉnh non cao tự giấu hình" và "Bác sống như trời đất của ta"... Như vậy, khi bình giảng, phân tích mà cứ gò các hình tượng nghệ thuật thuộc về một thủ pháp nào đó thì vô tình đã hạ thấp hình tượng đẹp đẽ đó. Những hình tượng nghệ thuật đẹp thường vượt lên trên, vượt ra ngoài các thủ pháp.

Có lẽ vì điều này mà một số nhà thơ, nhà văn cho rằng thơ văn hay thì không thể phân tích được, chỉ biết nói là nó hay, nó đẹp mà thôi. Thực ra thì không hoàn toàn như vậy. Tác phẩm nghệ thuật hay cũng như người đẹp, như ngọc quý vẫn có thể nhận xét, bình giá. Vấn đề là phải có một tài năng phê bình tương xứng thì mới gọi được hồn của tác phẩm. Như Kim Thánh Thán bình bài thơ "Hoàng Hạc lâu" của Thôi Hiệu; Hoài Thanh phê bình Thơ Mới; Xuân Diệu phân tích đánh giá ba thi hào dân tộc Nguyễn Trãi, Nguyễn Du, Hồ Xuân Hương...

Khi viết, các nhà thơ, nhà văn không ai lại chú ý đến các thủ pháp nghệ thuật cả. Hình tượng cứ tự nó đến và trào ra theo cảm hứng. Tùy thuộc hồn thơ hồn văn của từng người mà hình tượng ra đời hoàn mỹ đến mức nào. Còn ai phải tìm thủ pháp nghệ thuật để biểu hiện thì chỉ là thợ viết. Đã là thợ thì không thể hoàn hảo dẫu tay nghề có cao và khéo đến đâu.

Cho nên đối với văn nghệ sĩ, vấn đề quan trọng nhất là việc bồi dưỡng tâm hồn mình, tức là thế giới quan, tình yêu con người và cuộc sống cùng hệ thống thẩm mỹ, chứ không phải là việc luyện tập, rèn luyện kỹ năng.

Nghệ thuật không thể rèn luyện mà có được. Rèn luyện có thể giảm bớt sự thô vụng, nhưng trước hết nghệ thuật phải phát ra từ hồn. Khi đã có tâm hồn nghệ sĩ thì môi trường để rèn luyện lại chính là cuộc sống chứ không phải chỉ ở trong các nhà trường, học viện. Tuy nhiên các nhà trường, các học viện không phải là không cần thiết, bởi muốn trở thành một nghệ sĩ lớn và sống lâu dài với nghệ thuật thì không thể chỉ là năng khiếu tự phát thuần túy, mà phải có những kiến thức, hiểu biết cơ bản, hệ thống về các phương diện của nghệ thuật.

Đây lại là một sự đòi hỏi nghệ thuật nữa, sự hài hòa giữa tài năng thiên phú và sự tự đào tạo bồi dưỡng sẽ cho cây phát triển lớn cao. Tôi rất tâm đắc phương châm đào tạo của Bộ Giáo dục cách đây bốn chục năm là "biến quá trình đào tạo thành quá trình tự đào tạo".

Có lẽ đây cũng là phương châm thích hợp nhất cho tất cả các văn nghệ sĩ. Quá trình ấy, có thể qua trường lớp, nhưng phải là quá trình tự đào tạo suốt cuộc đời của mỗi nhà thơ, nhà văn. Tức là tâm hồn mỗi nghệ sĩ phải luôn có sự cộng hưởng tư tưởng thời đại, hiện thực cuộc sống và rung động của cá nhân mình.

2. Bản lĩnh nghệ thuật

Trong truyện cổ dân gian có một truyện nói về bản lĩnh nghề nghiệp, đó là truyện "Đẽo cày giữa đường". Trong cuộc sống không có lập trường, không có bản lĩnh còn chẳng làm nên cơm cháo gì, huống hồ trong nghệ thuật, một lĩnh vực rất khó, đòi hỏi phải có bản lĩnh rất cao.

Thường thì những tài năng lớn đi liền với bản lĩnh lớn. Thi tiên Lý Bạch (Đời Đường - Trung Quốc), đương thời đã rất nổi tiếng, được vua Đường trọng dụng, các nho gia danh sĩ đương thời cũng rất tôn sùng. Ông cũng ngầm kiêu hãnh so sánh mình với những ngọn núi lớn: "Bao nhiêu mây nổi bay đi hết/ Chỉ còn núi Kính Đình và ta".

Có thể nói ông là vua thơ của thời bấy giờ. Nhưng khi đến lầu Hoàng Hạc, ông đã bái phục nhà thơ Thôi Hiệu với bài thơ "Hoàng Hạc lâu", tự buông bút thốt lên: "Nhãn tiền hữu cảnh họa bất đắc/ Thôi Hiệu đề thi tại thượng đầu". Chính hành động đầy bản lĩnh này cũng đóng đinh tên tuổi Lý Bạch vào lầu Hoàng Hạc. Người đời sau, nhắc đến lầu Hoàng Hạc là phải nhắc đến thơ Thôi Hiệu và lời nhận xét của Lý tiên sinh một cách trân trọng. Giả sử Lý Bạch lại cố chấp cậy tài làm một bài thơ vịnh lầu Hoàng Hạc đề ở bên cạnh mà lại không hay, kém bài thơ của Thôi Hiệu thì có khi lại là đề tài cho hậu thế bình phẩm, cười cợt. Đây cũng là bài học cho những ai thích ganh tài mà không tự biết khả năng của mình.

Một người tôi cũng khâm phục bản lĩnh nghệ thuật, đấy là Nguyễn Đình Thi. Ông là một người đa tài, điều ấy đã có nhiều người nói và chứng minh. Tôi cũng đã có bài viết "Ngôi nhà của Nguyễn Đình Thi". Ở đây, tôi chỉ khẳng định bản lĩnh nghệ thuật của ông trong sáng tạo thơ ca. Cuộc tranh luận về thơ Nguyễn Đình Thi ở Hội nghị tranh luận văn nghệ tại Việt Bắc, họp trong những ngày cuối tháng 9 năm1949, có thể nói khái quát là một hội nghị phê phán thơ Nguyễn Đình Thi.

Dự hội nghị và tham gia phát biểu có những tên tuổi lớn của nền văn nghệ Việt Nam hiện đại: Tố Hữu, Ngô Tất Tố, Xuân Diệu, Văn Cao, Thế Lữ, Nguyễn Huy Tưởng, Nguyên Hồng, Thanh Tịnh... Các ý kiến tập trung vào mấy vấn đề: Thơ Nguyễn Đình Thi không vần, trúc trắc khó ngâm; tư duy thơ khó hiểu. Nguyễn Đình Thi đã phát biểu tiếp thu các ý kiến và hứa sửa chữa.

Nhưng trong thâm tâm, chắc Nguyễn Đình Thi nghĩ mọi người không hiểu thơ của mình, giống tâm trạng của Galilê, sau khi thoát khỏi giàn hỏa thiêu đã nói "dù sao trái đất vẫn quay", nên bên cạnh những bài thơ có vần dễ hiểu, ông tiếp tục sáng tác thơ tự do, thơ không vần. Đặc biệt là giai đoạn cuối đời (thập niên 90 của thế kỷ XX) ông làm được một khối lượng lớn thơ văn xuôi, thơ ngắn không vần tập hợp trong tập "Sóng reo", vẫn phong cách thơ từ nửa thế kỷ trước phát triển lên, được giải thưởng đặc biệt của Hội Nhà văn Việt Nam năm 2002. Bản lĩnh nghệ thuật đã quyết định thành công nghệ thuật của Nguyễn Đình Thi.

Còn nhà phê bình Hoài Thanh, khi cùng Hoài Chân làm tuyển tập Thơ Mới trong "Thi nhân Việt Nam", ông cũng phải có một bản lĩnh lớn. Đó là việc loại bỏ hơn một vạn bài thơ, để chọn lấy 168 bài. Tất nhiên, một khối lượng công việc đồ sộ như vậy thì sẽ không tránh khỏi có những thiếu sót, nhầm lẫn, như bỏ sót một số bài thơ hay và tuyển chọn nhầm một vài bài yếu.

Bản lĩnh nghệ thuật của Hoài Thanh nổi bật ở những nhận định, đánh giá các nhà Thơ Mới. Ông không né tránh, nói thẳng, chỉ ra những ưu khuyết điểm của từng người. Phải nói, đó là một bản lĩnh lớn của nhà phê bình. Chẳng hạn khi ông viết: "Nguyễn Vĩ là một người có chí cao nhưng tài mọn". Tôi chưa thấy có nhà phê bình nào của nước ta trong thế kỷ XX dám có những nhận xét tương tự. Và với bản lĩnh của một tài năng biết đánh giá được thực chất các nhà thơ của phong trào Thơ Mới, ông đã viết: "Huy Thông khá hơn... đã lập ra được một trường thơ nhỏ trong ấy có: Lam Giang, Phan Khắc Khoan và một nhà thơ sau này sẽ đi xa: Chế Lan Viên". Chính nhận định này của Hoài Thanh về Chế Lan Viên mà có người đã gọi Hoài Thanh là thiên tài. Dám khẳng định bước đường sự nghiệp sắp tới của một nhà văn và đã tiên lượng đúng, phải là người có bản lĩnh.

Bản lĩnh nghệ thuật cần với tất cả các nhà thơ nhà văn. Nói rộng ra, cần với tất cả các văn nghệ sĩ. Bởi bản lĩnh nghệ thuật hỗ trợ rất lớn cho tài năng, chắp cánh cho tài năng vượt qua các thử thách. Nó là một sự kết hợp biện chứng rất khó lý giải. Có phải bản lĩnh nghệ thuật và tài năng luôn luôn song hành? Văn học nghệ thuật thật sự là một lĩnh vực cao siêu. Theo tôi, những ai không có tài năng và bản lĩnh nghệ thuật thì không nên thử sức ở lĩnh vực này, bởi nghệ thuật chỉ kênh một chút là thành bất cập, nó sẽ rất bi hài./.

(Theo: Đinh Quang Tốn/CAND)

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất