Thứ Tư, 27/11/2024
Nghiên cứu trao đổi
Thứ Tư, 6/1/2010 10:58'(GMT+7)

Hiệu quả tuyên truyền văn học, nghệ thuật trên sóng phát thanh, truyền hình-sự quan tâm của toàn xã hội

Đại biểu trao đổi ý kiến tại buổi Toạ đàm (Ảnh: Ngọc Lê)

Đại biểu trao đổi ý kiến tại buổi Toạ đàm (Ảnh: Ngọc Lê)

Phải thừa nhận rằng, trong những năm gần đây, cùng với sự phát triển và làm chủ kỹ thuật tiên tiến của công nghệ thông tin truyền thông, các đài phát thanh và truyền hình trong cả nước đã quan tâm hơn cả về nội dung và thời lượng trong tuyên truyền văn học, nghệ thuật với nhiều chuyên mục mới, đa dạng về hình thức, đáp ứng tốt hơn nhu cầu thưởng thức văn hoá của người dân.

Song cũng lại cần thấy rõ, cùng với xu thế hội nhập phát triển kinh tế, đất nước ta cũng đang đứng trước nhiều thách thức trước những làn"gió độc" về văn hoá từ bên ngoài. Lợi dụng quá trình giao lưu kinh tế, văn hoá, các thế lực thù địch và cơ hội chính trị đã  truyền bá vào nước ta những sản phẩm văn hoá độc hại và lối sống thực dụng...hòng làm phai nhạt lý tưởng, truyền thống văn hoá tốt đep của dân tộc. Điều đáng báo động là, những sản phẩm văn hoá, văn học, nghệ thuật độc hại từ các nước phương Tây đang xâm nhập nước ta, được truyền qua nhiều kênh, đặc biệt qua mạng internet, đến với từng nhà, thậm chí từng người qua điện thoại di động thế hệ 3G; đến tận từng thôn xóm, ngõ phố qua hệ thống những người bán dạo...Nhiều tầng lớp xã hội, nhất lầ thanh thiếu niên,đang hấp thụ thiếu chọn lọc văn hoá phương Tây và quên dần truyền thống văn hoá tốt đẹp của cha ông để lại. Một khi văn hoá thay đổi thì hành vi sẽ thay đổi, và trên thực tế, nguy cơ "xâm lăng văn hoá" đó đã dẫn đến những hành vi vô văn hoá, phi nhân tính, đang làm băng hoại đoạ đức xã hội, phá vỡ niềm tin của cán bộ, nhân dân, nhất là lớp trẻ về con đường đi lên CNXH ở nước ta.

Bên cạnh những thành quả đạt được, một thực tế không thể không nói đến là, trong thời gian qua, lợi dụng việc mở rộng dân chủ, nhiều tác phẩm văn học, nghệ thuật có nội dung không lành mạnh, phản ánh sai sự thật, kích động bạo lực, tình dục, bịa đặt, bôi nhọ Đảng và chế độ, do tác giả trong và ngoài nước viết, được tung lên mạng; thậm chí được xuất bản, rồi được một số người tán tụng, cổ suý. Điều đáng nói hơn là, khi một bộ phận công chúng hoang mang trước những tác phẩm như vậy, thì các nhà lý luận, phê bình đã không kịp thời có những bài viết phản bác lại. Hệ thống truyền thông, báo chí, trong đó có phát thanh, truyền hình ít có những bài phê phán, tham gia định hướng cho công chúng.

Hệ thống phim ảnh trên truyền hình, phương tiện tác động mạnh nhất, rộng rãi nhất đến công chúng, dường như không được chọn lọc kỹ càng. Đã có không ít người lên tiếng không đồng tình hoặc phản đối các "Nhà đài" chiếu quá nhiều phim bạo lực. Trên các đài truyền hình ở cả Trung ương và địa phương, phim ngoại - chủ yếu là phim Hàn Quốc và Trung Quốc - chiếm thị phần quá lớn, khiến cho phim Việt Nam bị lấn át. Mặt khác, một số phim Việt cũng chạy theo thị hiếu tầm thường của cái hài hoặc sử dụng những  "pha gợi cảm, giật gân" câu khách, làm cho công chúng phân tâm.

Tại cuộc toạ đàm về "Tuyên truyền văn học, nghệ thuật trên sóng phát thanh, truyền hình" ngày 22-12 2009 vừa qua, nhiều đại biểu đại diện cho văn nghệ sĩ và đài phát thanh, truyền hình trong cả nước đã cùng chia sẻ những mặt làm được và làm chưa được; thấy rõ những hạn chế cả  mặt sáng tác cũng như tuyên truyền văn học, nghệ thuật trên sóng phát thanh, truyền hình như: còn để bị chi phối bởi các nhà tài trợ; sự phối hợp giữa các Hội VHNT, các đoàn nghệ thuật với các Đài phát thanh, truyền hình chưa chặt chẽ, dẫn đến hiệu quả chưa cao; còn tâm lý ngại va chạm, ảnh hưởng đến chất lượng chương trình; năng lực chuyên môn của biên tập viên cần được nâng cao hơn nữa để đáp ứng nhu cầu hưởng thụ văn hoá ngày cao của công chúng; kinh phí hoạt động cho tuyên truyền văn học, nghệ thuật ở một số đài còn khó khăn...

Mặc dù còn nhiều việc cần phải làm để nâng cao hiệu quả công việc, nhưng đa số ý kiến đều thống nhất rằng: Thưởng thức văn nghệ qua sóng phát thanh, truyền hình đang là nhu cầu phổ biến nhất và có tỷ trọng công chúng cao nhất; khó khăn còn nhiều, nhưng nếu mỗi đơn vị có sự quan tâm chỉ đạo và sự phới hợp chặt chẽ giữa các đơn vị có liên quan thì chẳng những chúng ta có thể phục vụ tốt hơn nhu cầu hưởng thụ văn hoá của công chúng mà còn đấu tranh có hiệu quả với những luận điệu xấu của các thế lực thù địch, cơ hội chính trị trên lĩnh vực văn học, nghệ thuật.

Trong năm 2010 và những năm tới, công chúng sẽ tiếp tục mong đợi các các tác phẩm văn học nghệ thuật tích cưc, có tính định hướng và thầm mỹ- phù hợp với nền văn hóa Việt Nam đậm đà bản sắc dân tộc. Vì thế việc tuyên truyền văn học, nghệ thuật trên sóng phát thanh-truyền hình và hiệu quả tác động của nó sẽ và mãi mãi nhận được sự quan tâm của toàn xã hội./.

NGỌC LÊ 

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất