Thứ Tư, 27/11/2024
Nghiên cứu trao đổi
Thứ Ba, 5/1/2010 12:22'(GMT+7)

Trẻ em lười đọc vì sách... nặng?

Đối chiếu với “sức nặng” tính bằng ký lô của những cuốn sách văn học “dành cho các em” mà các NXB của ta liên tiếp tung ra thị trường thời gian vừa qua, tôi thấy cũng có những điều không thể không có ý kiến. Bởi qua kiểm nghiệm của riêng tôi, đó cũng là một lý do khiến cho các em lười và ngại đọc sách, bên cạnh lý do sức hút của các loại hình nghệ thuật như truyền hình, internet.

Hẳn chúng ta còn nhớ, vào thời bao cấp, sách dành cho đối tượng thiếu nhi bao giờ cũng được Nhà nước ta ưu tiên đặc biệt. Giấy phải trắng hơn các loại sách khác, bìa được chăm chút hơn, và đa phần các cuốn sách đều có in kèm minh họa. Điều đặc biệt là với những cuốn sách dày cỡ hai, ba trăm trang trở lên, thường thì khi in bao giờ NXB cũng chia làm nhiều tập. Như NXB Kim Đồng, khi cho ấn hành cuốn “Không gia đình” cũng chia nhỏ làm ba tập, với độ dày mỗi tập chưa đến 200 trang, trong ruột có nhiều minh họa rất công phu. Các cuốn “Túp lều bác Tôm” dày hơn 500 trang, “Hai vạn dặm dưới biển” dày 400 trang cũng được san làm hai tập và in kèm những minh họa rất sinh động. Các cuốn truyện cổ tích kinh điển như “Ngàn lẻ một đêm”, “Truyện cổ Anđécxen” cũng được chia làm nhiều tập với độ dày vừa phải. Thậm chí cuốn “Con ngựa gỗ mun” rút từ những truyện đặc sắc nhất trong bộ truyện “Nghìn lẻ một đêm” cũng chỉ dày có hơn trăm trang. Bộ “Truyện cổ Grim” do dịch giả Hữu Ngọc dịch cũng chỉ dày chừng 200 trang...

Trong khi đó, chỉ lần giở một lượt những cuốn sách kể trên ở các quầy sách báo trên đường Tràng Tiền, chúng ta không khỏi e ngại cho con em mình khi thấy tất cả đều được in gộp thành một tập, với bìa cứng và số trang ngót nghét cả ngàn. Thậm chí, có cuốn như cuốn “Kho tàng truyện cổ Grim” do NXB Văn hóa Thông tin ấn hành năm 2003, dày tới cả… gang tay với số trang lên tới 1.200 trang, và khi cân lên thấy nặng tới cân tám!

Khi tôi đặt câu hỏi với giám đốc một số NXB: “Tại sao là sách phục vụ thiếu nhi mà NXB lại cho in dày?” thì đều nhận được câu trả lời: “Những sách đó đa phần do đầu nậu đứng ra lo liệu. Và họ gộp như vậy để đỡ chi phí in ấn và dễ phát hành”.

Một số bậc phụ huynh cũng cho rằng, việc in gộp các tập lẻ vào một cuốn như vậy thuận tiện cho việc lưu trữ. Câu trả lời làm tôi nhớ tới việc vừa qua NXB Kim Đồng đã cho in gộp 45 tập truyện “Kính vạn hoa” của nhà văn Nguyễn Nhật Ánh vào làm ba tập, với số trang của mỗi tập lên tới 1.200 trang. Và trong lời nói đầu, NXB cho rằng hình thức xuất bản này là nhằm mục đích “giúp cho bạn đọc, các thư viện tiện việc sử dụng và lưu giữ”.

Theo ý kiến cá nhân tôi, việc in gộp như vậy đúng là tiện cho công tác lưu giữ, nhưng trong sử dụng thì không hẳn đã tiện, nhất là với các đối tượng là bạn đọc nhỏ. Bằng chứng là khi tôi hỏi các bậc phụ huynh, liệu những cuốn sách dày cả gang tay kia có thu hút các em không thì không ít vị đã phải nhăn mặt trả lời: “Chúng nó bây giờ đâu có như anh em mình ngày xưa. Tụi nhỏ thời nay lười đọc lắm. Nhìn cuốn sách dày thế kia chúng nó chắc ngại đọc”.

Mấy ai nhớ lại rằng, khi xưa, sách dành cho “anh em mình” đâu có dày và nặng đến như thế này!!! ./.

(Theo: Phạm Khải/SGGP)

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất