Thứ Tư, 27/11/2024
Nghiên cứu trao đổi
Thứ Bảy, 9/1/2010 22:9'(GMT+7)

Văn học Việt Nam và con đường ra thế giới: Còn lắm gian nan

Nhật ký Đặng Thuỳ Trâm - một trong số ít cuốn sách được dịch ra nhiều thứ tiếng

Nhật ký Đặng Thuỳ Trâm - một trong số ít cuốn sách được dịch ra nhiều thứ tiếng

Nhập siêu- từ thường được dùng để chỉ tình trạng nhập quá nhiều hàng hóa nước ngoài- nay đã được sử dụng chỉ hiện trạng dịch quá tràn lan các tác phẩm văn học nước ngoài thời gian qua. So với số lượng 13.700 tác phẩm văn học của nước ngoài được dịch ra tiếng Việt, thì con số mới chỉ có 570 tác phẩm văn học Việt Nam được dịch ra tiếng nước ngoài là sự bất tương xứng và đáng buồn...

Đáng buồn là ở chỗ số lượng tác phẩm văn học Việt Nam được dịch ra tiếng nước ngoài chỉ chiếm tỷ lệ 1/24 so với số tác phẩm văn học nước ngoài được dịch ra tiếng Việt. Theo thống kê trên thị trường sách hiện nay, cứ 100 cuốn sách được bày bán thì có 25 cuốn sách dịch từ văn học nước ngoài. Bên cạnh các tác phẩm tiêu biểu của văn chương nhân loại, thì có không ít cuốn dù được quảng cáo là "hot", "best-seller", nhưng ít giá trị văn chương, nói về đề tài tình dục là phần nhiều. Những cuốn sách này được dịch vội vàng, với trình độ dịch còn kém nên nhiều lỗi trong câu chữ.

Đáng buồn nữa là ở thực trạng: trong khi không kiểm soát được số lượng cũng như chất lượng sách văn học từ ngoài vào nước ta, thì chúng ta lại chưa thực sự có sự quan tâm tới việc giới thiệu sách văn học Việt Nam ra thế giới. Kiểm kê lại lượng sách văn học Việt Nam được dịch ra thế giới trong vòng 50 năm qua thì hầu như không mấy tiến triển. Mấy trăm đầu sách đã dịch sang nước bạn chủ yếu là văn học cổ điển và văn học thời kháng chiến. Những cuốn sách văn chương hiện đại được dịch ra tiếng nước ngoài chỉ đếm trên đầu ngón tay. Việc cuốn "Nhật ký Đặng Thuỳ Trâm" được dịch ra rất nhiều thứ tiếng, được độc giả nước ngoài đón nhận nồng nhiệt, là một hiện tượng hiếm hoi. Các tác phẩm văn chương của Việt Nam rất ít được công chúng ở nhiều nước trên thế giới biết tới, thậm chí là tại các nước Châu Âu.

Nguyên nhân của thực trạng buồn này là do chúng ta thiếu sự chủ động trong việc chọn lọc và giới thiệu những tác phẩm văn học tiêu biểu của Việt Nam ra thế giới. Việt Nam thiếu hẳn một Trung tâm dịch thuật có tầm cỡ quốc gia, tập hợp được đội ngũ người dịch có trình độ ngoại ngữ tốt và có sự hiểu biết sâu sắc về văn hóa Việt Nam và các nền văn hóa trên thế giới. Việc thông tin về sách và các nhà xuất bản ra nước ngoài cũng rất thiếu và chưa bài bản. Nhiều dịch giả quốc tế tham dự Hội nghị Giới thiệu Văn học Việt Nam cho biết là họ hầu không biết là ở Việt Nam có bao nhiêu nhà xuất bản và tìm kiếm thông tin về các nhà xuất bản này rất khó. Đội ngũ dịch giả trẻ thiếu vốn hiểu biết về văn hóa và ngôn ngữ Việt Nam, nên kể cả việc dịch tác phẩm của nước ngoài vào VN hay của VN ra nước ngoài đều chưa đạt yêu cầu. Chúng ta cũng chưa có chính sách đãi ngộ xứng đáng với đội ngũ dịch giả, nhất là các nhà văn nước ngoài yêu mến văn học Việt Nam.

Hội nghị Giới thiệu Văn học Việt Nam đang được tổ chức là hội nghị về văn học dịch thứ hai, nhưng vẫn chỉ được coi là những bước khởi động ban đầu cho sự tìm hiểu toàn diện nền văn học, văn hoá Việt Nam, cho việc dịch và giới thiệu văn học, văn hoá Việt Nam ra tất cả các châu lục. Nhưng điều quan trọng là những công việc cần triển khai ngay và nhanh sau hội nghị này, để tạo bước chuyển mạnh mẽ cho việc đưa văn học Việt Nam đến với đông đảo bạn bè quốc tế. Chẳng hạn như việc lập Trung tâm dịch thuật quốc gia; lập trang Thông tin điện tử giới thiệu về các tác phẩm văn học dịch của Việt Nam ra thế giới... Danh sách những cuốn sách sẽ được dịch ra các thứ tiếng nước ngoài trong năm nay, trong 5 hay 10 năm tới cần phải được cụ thể hóa. Và xa hơn nữa là kế hoạch đào tạo đội ngũ dịch giả văn học bài bản, khoa học, đáp ứng nhu cầu hội nhập quốc tế.

Chúng ta vẫn hay quan niệm văn chương là "hữu xạ tự nhiên hương". Nhưng nếu chỉ đợi vẻ đẹp của các tác phẩm văn chương ưu tú của Việt Nam tự lan tỏa theo như cách mà chúng ta đã từng làm thời gian qua thì e rằng quá chậm. Trong khi thời gian không bao giờ dừng lại để đợi chúng ta...

- Mai Hồng -

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất