Thứ Ba, 1/10/2024
Nghiên cứu trao đổi
Thứ Bảy, 22/11/2008 19:31'(GMT+7)

Quần thể di tích cố đô Huế: Vẫn đối diện nhiều thách thức

Lầu Tứ Phương Vô Sự của Đại nội Huế đang bị xuống cấp nghiêm trọng

Lầu Tứ Phương Vô Sự của Đại nội Huế đang bị xuống cấp nghiêm trọng

Hơn 80 công trình được trùng tu

Theo thống kê của Trung tâm Bảo tồn di tích cố đô Huế, toàn bộ quần thể di tích cố đô Huế sau chiến tranh còn khoảng 300 công trình lớn nhỏ, hầu hết đều bị hư hỏng ở những mức độ khác nhau, nhiều công trình hư hỏng nghiêm trọng, có nguy cơ đổ sụp. 42ha tường thành bị cây cỏ xâm thực, 100.000m2 ao hồ cần được nạo vét, 33 cầu cống và 20km đường đi trong các di tích bị hư hại nặng. Đặc biệt, toàn bộ khu vực Tử Cấm Thành gần như bị xoá sổ. Khu vực Hoàng thành chỉ còn lại 62 công trình so với 136 công trình kiến trúc nguyên thuỷ. Khu vực Kinh thành còn 97 công trình trong tình trạng hư hỏng nặng...

Chỉ trong vòng 15 năm, bộ mặt của quần thể di tích cố đô Huế đã có những đổi thay quan trọng. Hầu hết các công trình di tích và cơ sở hạ tầng có mức độ hư hỏng từ 40% đến 70% đã được lập dự án tu bổ và được phê duyệt, trong đó có gần 80 công trình đã được tu bổ với nhiều mức độ: Tu bổ từng phần (điện Long An, Ngọ Môn, điện Thái Hoà, Kỳ Đài...), tu bổ hoàn nguyên (Quảng Đức, cung Diên Thọ, điện Minh Thành, hệ thống kè hồ Kim Thuỷ...), tu bổ, tôn tạo thích nghi và tái sử dụng (Duyệt Thị Đường, hệ thống sân Đại Triều, quảng trường Ngọ Môn, vườn cảnh...), nâng cấp hạ tầng để tạo điều kiện cho việc quản lý, bảo vệ và tham quan ở khu vực Đại Nội.

Thách thức

Theo KTS Phùng Phu - GĐ Trung tâm BTDTCĐ Huế thì công cuộc bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hoá Huế vẫn còn không ít khó khăn. Mặc dù đã có sự quan tâm rất lớn của Chính phủ cũng như các bộ, ngành ở trung ương và sự nỗ lực của địa phương, nhưng do quy mô khá lớn của quần thể di tích Huế, tính chất các loại hình di sản lại hết sức phong phú, đa dạng, nên sự đầu tư hoàn toàn chưa tương xứng với nhu cầu của công tác bảo tồn.

Cụ thể, mức đầu tư theo yêu cầu đề ra trong Quyết định 105/TTg phải đạt từ 60 đến 100 tỉ đồng/ năm, nhưng thực tế những năm qua chỉ đạt ở mức 25-50 tỉ đồng/năm (kể tất cả các nguồn vốn). Công tác bảo tồn tu bổ di tích nói chung và di tích Huế nói riêng mang nhiều tính đặc thù, nhưng đến nay vẫn chưa có những chính sách dành cho một khu di tích đặc biệt (chính sách bảo vệ hệ thống nhà vườn, các quy định riêng về bảo tồn và trùng tu di tích Huế trong lĩnh vực  xây dựng cơ bản, chính sách với nghệ nhân, ưu đãi về vốn, về tín dụng...).

Vấn đề phân công, phân cấp quản lý di tích cũng còn nhiều bất cập. Nhiều di tích quan trọng như lầu Tàng Thơ, phủ Nội Vụ, Lục Bộ, Mang Cá... chưa được sử dụng hợp lý. Quy hoạch đô thị chưa đáp ứng được nhu cầu của công tác bảo tồn di sản. Thiếu quy hoạch tổng thể và chi tiết đã dẫn đến tình trạng phát triển tuỳ tiện, ảnh hưởng đến các khu vực bảo tồn. Sự phối hợp giữa các ban ngành có trách nhiệm chưa đồng bộ, khiến các dự án bảo tồn được triển khai chậm, thậm chí tạo nên những kẽ hở cho sự xâm phạm di tích./.
(Theo:Lao Động)   

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất