Chủ Nhật, 24/11/2024
Nghiên cứu trao đổi
Thứ Sáu, 21/11/2008 13:47'(GMT+7)

Hiểm họa môi trường trong các tác phẩm điện ảnh

Một cảnh trong phim "Rừng đen".

Một cảnh trong phim "Rừng đen".

Những thông điệp lo âu về môi trường

Không phải ngẫu nhiên giải Nobel về Hòa bình năm 2007 được trao cho các tác giả của cuốn sách dày 3.000 trang viết về biến đổi khí hậu toàn cầu. Hiện tượng trái đất nóng lên đã thực sự trở thành một hiểm họa làm biến đổi khí hậu toàn cầu, đe dọa cuộc sống của nhân loại tương lai đòi hỏi một sự giáo dục toàn diện về môi trường tự nhiên và xã hội.

Giữa bao nhiêu nỗ lực truyền thông điệp kêu cứu và giáo dục về môi trường thông qua các hoạt động văn hóa và nghệ thuật, điện ảnh đã góp phần quan trọng xây dựng những ấn tượng và cảm xúc, truyền đạt và khơi gợi những miền thông điệp, kết nối những con người ở các vùng ngôn ngữ khác nhau trong những nỗi lo âu và day dứt chung về sự biến đổi khí hậu toàn cầu. Những hình ảnh điện ảnh sinh động có sức mạnh ám ảnh người xem, đưa thông điệp về hiểm họa môi trường đến với đông đảo người xem một cách tự nhiên và sâu sắc.

Bộ phim nổi tiếng An inconvenient truth của cựu Phó Tổng thống Mỹ Al Gore đã cho khán giả thấy những hình ảnh rất ấn tượng và thuyết phục về sự biến đổi khủng khiếp của nhiệt độ trái đất. Trong phim có cảnh người dẫn chương trình đứng dưới đất chỉ vào cột biểu đồ cao ngang đầu mình thể hiện sự gia tăng nhiệt độ trái đất trong thời gian 2.000 năm trước, nhưng lại phải trèo lên thang máy để chỉ vào cột số liệu cao ngang nóc nhà biểu thị độ gia tăng nhiệt độ trái đất trong thời gian 100 năm gần đây. Trong phim, hình ảnh những cánh rừng bạt ngàn bị cháy; hình ảnh một con gấu trắng bơi mãi trên biển mong tìm được một tảng băng trôi để bám vào; hình ảnh những cơn bão tàn khốc do hiệu ứng khí thải gây ra... đã làm xúc động nhiều khán giả trên thế giới.

LHP Cannes 2007 là một cái nhìn hướng về sức khỏe và môi trường. Đạo diễn lừng danh Michael More xuất hiện với phim tài liệu SICKO nói về tình trạng chăm sóc sức khỏe của Mỹ liên quan đến môi trường, tài tử Leonardo DiCaprio xuất hiện cùng bộ phim về môi trường The 11th hour, nói về tình trạng trái đất đang nóng lên. Trong khuôn khổ LHP Pháp ngữ tổ chức tại Việt Nam (VN) năm nay, Hãng phim tài liệu Wallonie-Bruxelles cũng đã mang ba bộ phim về môi trường Cuộc đấu tranh của cây thuốc, Giọt nước vàng  Làng Lopukhovo để chiếu giới thiệu cho các nghệ sĩ điện ảnh VN.

Cảm hứng về môi trường trong điện ảnh Việt Nam

VN được đánh giá là nước đứng thứ 5 trên thế giới về khả năng dễ tổn thương do tác động của biến đổi khí hậu. Liên hợp quốc đã chọn VN để nghiên cứu điển hình về biến đổi khí hậu và phát triển con người.

Có thể nói các nghệ sĩ điện ảnh đã đi trước xã hội trong vấn đề này. Những môi trường sống khắc nghiệt và độc hại đã ám ảnh trí tưởng tượng, sáng tạo của các nghệ sĩ điện ảnh VN từ nhiều năm nay trong những bộ phim sâu sắc về nạn ô nhiễm môi trường đất, nước, không khí, môi trường... Hàng trăm bộ phim tài liệu, phóng sự, hoạt hình, phim truyện và các chương trình truyền hình tham gia 3 LHP về môi trường của VN tổ chức từ năm 1998 đến nay đã không dừng lại ở sự truyền bá tri thức khoa học hay tuyên truyền những khẩu hiệu văn hóa, mà còn nhìn sâu vào số phận con người trong bối cảnh tự nhiên và xã hội khắc nghiệt để đưa đến cho khán giả những hình tượng day dứt lương tâm. Như bộ phim tài liệu của truyền hình an ninh nhân dân kể về một làng ung thư do chì ắc quy với bao hình ảnh tội nghiệp của người nông dân nghèo bị nhiễm độc chì và những hình ảnh thể hiện các cơ quan trách nhiệm đùn đẩy nhau, đổ lỗi cho sự thiếu thốn thiết bị khiến những cảnh đời đáng thương cứ tiếp tục kéo dài.

Có lẽ cảm hứng về số phận con người, số phận cộng đồng khiến các nghệ sĩ điện ảnh VN không thỏa mãn với thể loại phim tài liệu mà có thiên hướng muốn thể hiện hiểm họa môi trường qua phim truyện nhựa và phim truyện truyền hình dài tập. Trong buổi phát động cuộc thi sáng tác kịch bản phim về môi trường do Bộ Tài nguyên và Môi trường tổ chức gần đây, các nghệ sĩ điện ảnh đã phát biểu cho rằng việc sáng tác các phim về môi trường cần hướng tới khai thác khoảng hòa trộn giao thoa giữa môi trường tự nhiên và môi trường xã hội để có thể khám phá chiều sâu nhân văn và căn nguyên xã hội của những hiểm họa này. Đạo diễn Vương Đức đã bày tỏ mong muốn được làm phim truyện nhựa về đề tài này, một đề tài đã ám ảnh quá trình sáng tác của anh. Các phim Những người thợ xẻ Rừng đen của đạo diễn Vương Đức - những bộ phim được đánh giá cao, được dư luận quan tâm - đã thể hiện một cách dữ dội và ấn tượng hành tung và số phận của bọn lâm tặc đã phá rừng quyết liệt với động cơ thực dụng hay ngạo mạn. Trước đó, bộ phim truyện Vua bãi rác của đạo diễn Đỗ Minh Tuấn sản xuất năm 2001 cũng là bộ phim mang cảm hứng nhân văn về môi trường, thể hiện một cách chân thực và xúc động tình người và khát vọng vươn lên của những người lao động sống bằng nghề bới rác trên bãi rác ven sông Hồng.

Trước những ý tưởng và những đề xuất của các nghệ sĩ, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và môi trường Trần Hồng Hà đã thay mặt BTC cuộc thi sáng tác kịch bản phim về đề tài môi trường bổ sung và điều chỉnh ngay một số điểm trong quy chế cuộc thi. Cụ thể là mở rộng thêm cho thể loại phim phóng sự điều tra và phim truyền hình dài tập tham gia dự thi, sẵn sàng cung cấp thông tin và giúp cho các tác giả xâm nhập địa bàn để viết kịch bản cho các loại phim này, kể cả xâm nhập vào các khu vực cấm thuộc các cơ quan quản lý, các doanh nghiệp làm ăn phi pháp. Nếu kịch bản được giải, BTC sẽ đầu tư từ 3 đến 10 tỷ đồng để làm phim. Nhà biên kịch Lê Ngọc Minh, Cục phó Cục điện ảnh cũng hứa nếu có kịch bản phim truyện hay Cục sẽ tài trợ để làm phim nhựa.

Các chuyên gia quốc tế cảnh báo rằng những thay đổi toàn cầu đang đe dọa nghiêm trọng sinh kế của người VN, sẽ có tới 22 triệu người VN, đặc biệt những người sống ở các vùng Trung và Nam Bộ bị mất nhà nếu mực nước biển dâng lên một mét. Mặc dù vậy, chỉ đến khi xuất hiện các vụ việc như Vedan, Miwon và nhiều doanh nghiệp khác xả nước thải đầu độc ao hồ sông biển, xã hội ta mới bắt đầu quan tâm rộng rãi tới hiểm họa môi trường./.

(Theo: Phúc An/Báo Sức khoẻ & Đời sống)

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất