Chủ Nhật, 8/12/2024
Cùng suy ngẫm
Thứ Bảy, 17/9/2016 21:5'(GMT+7)

Chăm lo nhà giáo vùng cao

(Ảnh minh họa)

(Ảnh minh họa)

Những năm qua, Đảng, Nhà nước và ngành giáo dục đã dành sự quan tâm đến giáo viên ở các địa bàn đặc biệt khó khăn cả về cơ chế, chính sách, góp phần cải thiện đời sống của giáo viên. Nhiều chương trình hỗ trợ, tri ân, tuyên dương các thầy cô giáo cắm bản cũng đã được tổ chức, giúp các thầy cô yên tâm gắn bó hơn với nhiệm vụ giáo dục-đào tạo.

Tuy vậy, trên thực tế, do địa hình hiểm trở và trình độ dân trí của đồng bào dân tộc thiểu số còn hạn chế, nên các thầy cô luôn phải cố gắng hết mình, vượt qua những thử thách cả về khách quan và chủ quan mới có thể đứng vững trên bục giảng và mang lại niềm tin cho con em đồng bào. Không ít thầy cô đang công tác trên vùng cao, biên giới, hải đảo vẫn đối diện với nhiều khó khăn. Nhiều thầy cô giáo tuy thu nhập không quá thấp, song do địa hình cách trở nên không có điều kiện tiếp xúc với cuộc sống văn minh, hiện đại. Và còn đó những câu chuyện khiến chúng ta không khỏi trăn trở, khi có những cô giáo đành gác lại hạnh phúc riêng tư vì công tác lâu năm ở vùng cao, vùng xa xôi, hẻo lánh nên chưa có điều kiện xây dựng gia đình... 

Để tạo điều kiện thuận lợi cho các giáo viên ở địa bàn đặc biệt khó khăn yên tâm công tác hơn nữa, cần phải tiếp tục có những chính sách đặc thù dành cho họ. Ví như hỗ trợ xây dựng nhà ở tập thể cho giáo viên, đưa điện, nước đến các điểm trường khó khăn; tăng cường thời gian nghỉ phép hợp lý để giúp các thầy cô được gần gũi nhiều hơn với gia đình và có điều kiện mở rộng các mối giao lưu, quan hệ xã hội; công tác luân chuyển giáo viên vùng cao về vùng xuôi sau khi hoàn thành nhiệm vụ cần được các địa phương thực hiện một cách nghiêm túc, công bằng để nhiều thầy cô giáo sau thời gian cắm bản không phải loay hoay tìm đường về xuôi...

Giáo dục là sự nghiệp chung của toàn xã hội. Vì vậy, mỗi một tấm lòng, một sự sẻ chia của các cấp, các ngành và của cộng đồng đối với các thầy cô giáo vùng đặc biệt khó khăn sẽ là nguồn động lực tinh thần giúp các thầy cô càng thêm yêu nghề, từ đó cống hiến hết mình cho sự nghiệp "trồng người". Năm học mới, niềm vui mới, những nụ cười của các em học trò nơi biên cương, hải đảo và các vùng xa xôi, hẻo lánh sẽ thêm rộn ràng hơn, tươi tắn hơn khi mỗi thầy giáo, cô giáo luôn an tâm công tác, dành trọn tâm huyết, tình yêu thương và niềm đam mê với nghề đã chọn./.

Trần Duy Văn (QĐND)

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất