Thứ Năm, 19/9/2024

Chất lượng tham mưu về công tác tổ chức, cán bộ trong các cơ quan Trung ương: Khâu then chốt của công tác cán bộ

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Cán bộ và công tác tổ chức, cán bộ luôn giữ vị trí, vai trò cơ bản, đặc biệt quan trọng, là nhân tố quyết định đến sự thành bại của cách mạng, gắn liền với vận mệnh của Đảng, của đất nước và chế độ, là khâu then chốt của công tác xây dựng Đảng. Văn kiện Đại hội đại biểu lần thứ XII của Đảng xác định “Tiếp tục đẩy mạnh thực hiện Chiến lược cán bộ thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước”. 

Với đặc thù của các đảng bộ trực thuộc Đảng bộ Khối các cơ quan Trung ương (Đảng bộ Khối) là các cơ quan tham mưu, hoạch định chiến lược, xây dựng chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước ở tầm vĩ mô, đội ngũ cán bộ, đảng viên trong Đảng bộ Khối nhìn chung có trình độ cao về chuyên môn, lý luận chính trị, có nhiều kinh nghiệm hoạt động thực tiễn; nhiều đồng chí giữ cương vị lãnh đạo cao cấp của Đảng, Nhà nước, Chính phủ, Quốc hội, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội ở Trung ương. Hoạt động của tổ chức đảng và đội ngũ cán bộ, đảng viên trong Đảng bộ Khối có ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng, hiệu quả của cả hệ thống chính trị và sự phát triển của đất nước. 

Đội ngũ cán bộ làm công tác tham mưu về công tác tổ chức, cán bộ ở Đảng bộ Khối thời gian qua đã có nhiều đóng góp quan trọng, góp phần xây dựng và kiện toàn hệ thống tổ chức của Đảng trong các cấp, các ngành; nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng; triển khai hiệu quả đường lối, chính sách của Đảng vào thực tiễn.

Tuy nhiên, bên cạnh những thành tựu đã đạt được, thực tế cho thấy, trong thời gian qua vẫn còn một số bất cập, yếu kém trong việc tham mưu về công tác tổ chức, cán bộ. Không chỉ là những nhược điểm trong việc coi nhẹ nguyên tắc, bỏ qua một số quy trình xem xét đánh giá, quy hoạch, bổ nhiệm và sử dụng cán bộ, mà nhiều nơi còn xuất hiện tình trạng tiêu cực trong bố trí, sử dụng cán bộ. Tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, bệnh cơ hội, chủ nghĩa cá nhân, thực dụng, thoái hóa, biến chất, quan liêu, tham nhũng, thiếu trách nhiệm, thiếu tự giác rèn luyện, phấn đấu trong một số cán bộ làm công tác tổ chức, cán bộ vẫn còn diễn ra ở một số nơi và chưa có giải pháp hữu hiệu để ngăn chặn và kịp thời xử lý. Một số ít cán bộ còn vi phạm nguyên tắc của Đảng trong quá trình tham mưu, tổ chức thực hiện, cố tình thực hiện sai quy trình, bổ nhiệm cán bộ, gây ảnh hưởng xấu trong xã hội. Tình trạng “chạy chức”, “chạy quyền”, “chạy tội”, “chạy bằng cấp” vẫn còn trong ý thức của một số cán bộ, đảng viên. Chất lượng ở một số cán bộ tham mưu còn có yếu kém, chưa đáp ứng tốt yêu cầu nhiệm vụ của thời kỳ mới hiện nay.

Để khắc phục những hạn chế nêu trên, đồng thời xây dựng được một bộ máy, đội ngũ cán bộ tham mưu công tâm, vừa có tâm, có tầm, am hiểu về công tác tổ chức, cán bộ ở các cơ quan bộ, ban, ngành Trung ương đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ của thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, cần phải tiến hành nhiều giải pháp đồng bộ với các nội dung chính sau:

Một là, phải thường xuyên quán triệt, để không ngừng củng cố và nâng cao nhận thức của những người làm công tác tham mưu về vị trí, vai trò, tầm quan trọng của công tác tổ chức, cán bộ. Người làm công tác tổ chức, cán bộ cần phải nhận thức được rằng: họ là những người phụ trách, đảm nhiệm, tham mưu một công việc đặc biệt quan trọng, liên quan đến vận mệnh của một con người, một tổ chức, một cơ quan, đơn vị, hay nói rộng hơn là liên quan đến vận mệnh của cả đất nước. Vì thế, người tham mưu về công tác tổ chức, cán bộ phải thực sự có nhận thức đúng, khoa học; phải thực sự công tâm, khách quan, có trái tim trong sáng; có trình độ, năng lực, am hiểu về lĩnh vực tổ chức, thì mới có thể tham mưu, giúp cho Đảng, Nhà nước chọn được một đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược, đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ, đáp ứng yêu cầu trong thời kỳ mới.

Hai là, nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng cán bộ tham mưu về công tác tổ chức, cán bộ; xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp có phẩm chất, năng lực, uy tín, đáp ứng yêu cầu trong thời kỳ mới. Hiện nay, các cơ quan trong Khối các cơ quan Trung ương có vai trò rất quan trọng trong việc tham mưu về công tác chuẩn bị và tổ chức đại hội đảng bộ các cấp. Đây là nhiệm vụ rất quan trọng trong việc chuẩn bị một đội ngũ lãnh đạo có chất lượng cho Đảng. Vì vậy, các cơ quan, đơn vị trong Khối cần thường xuyên cử cán bộ tham gia các khóa đào tạo, đào tạo lại và các lớp bồi dưỡng, cập nhật thông tin, kiến thức liên quan đến công tác tổ chức, cán bộ do các trường chính trị, học viện chính trị và các cơ quan chuyên môn thuộc Ban Tổ chức Trung ương tổ chức.  

Bên cạnh việc ủng hộ, tạo điều kiện của các cơ quan quản lý cán bộ làm công tác tổ chức và sự nỗ lực học tập của cán bộ, thì các trường chính trị, học viện chính trị, các vụ chuyên môn thuộc Ban Tổ chức Trung ương phải thường xuyên mở các lớp tập huấn, cập nhật kiến thức về công tác tổ chức, cán bộ cho đội ngũ cán bộ này. Có như vậy thì mới đáp ứng được nhiệm vụ đặt ra hiện nay.

Ba là, kịp thời bổ sung, hoàn thiện quy định, quy chế các văn bản liên quan đến công tác tổ chức, cán bộ. Đổi mới công tác tổ chức, cán bộ trước hết phải từ việc đổi mới và hoàn thiện các văn bản pháp lý. Việc xây dựng, ban hành các quy định, quy chế và các văn bản liên quan đến công tác tổ chức, cán bộ là điều kiện thuận lợi để các tổ chức đảng, cấp ủy và đội ngũ tham mưu có hành lang pháp lý để tổ chức thực hiện. Cấp ủy và cán bộ chủ trì các cấp cần kịp thời rà soát, bổ sung các quy định, quy chế về công tác cán bộ. Quy định cụ thể việc thôi chức, miễn nhiệm, từ chức đối với cán bộ lãnh đạo, quản lý. Đặc biệt, cần có quy định về việc liên đới chịu trách nhiệm khi cán bộ giới thiệu nhân sự vào các cơ quan của Đảng, Nhà nước, các tổ chức chính trị - xã hội trong Khối các cơ quan Trung ương khi có vấn đề xảy ra. 

Bốn là, thường xuyên tổ chức sơ kết, tổng kết, đánh giá thực trạng về bộ máy và đội ngũ cán bộ làm công tác tổ chức, cán bộ. Đây là cơ sở tham mưu với cấp ủy, ban thường vụ và lãnh đạo các cơ quan, đơn vị xác định rõ mô hình tổ chức bộ máy và đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý hiệu quả hay không hiệu quả; đánh giá được ưu điểm, nhược điểm để từ đó kịp thời nhân rộng, phát huy những ưu điểm đang có, sửa chữa, thay đổi những hạn chế, bất cập. Từ đó, thiết lập một hệ thống làm công tác tổ chức, cán bộ ổn định, đồng bộ, có hệ thống ngành dọc từ Trung ương đến địa phương, thống nhất trong chỉ đạo và điều hành hoạt động; đồng thời, phát hiện những nội dung còn bất hợp lý, không phù hợp với thực tiễn trong quy định, quy chế về công tác cán bộ, cũng như những vấn đề mới nảy sinh liên quan đến cán bộ và công tác cán bộ, để kịp thời khắc phục và đề xuất với cấp ủy điều chỉnh cho phù hợp.

Năm là, cần có cơ chế, chính sách đãi ngộ xứng đáng đối với đội ngũ cán bộ làm công tác tổ chức, cán bộ. Các cấp ủy, thủ trưởng và lãnh đạo các cơ quan, đơn vị phải thực sự tạo điều kiện về cơ chế, chính sách, tiền lương cho đội ngũ cán bộ này. Bởi vì, muốn họ làm tốt công việc này thì phải tạo điều kiện tốt nhất cho họ để họ yên tâm công tác, không tham ô, vụ lợi, thực hiện nghiêm túc, công khai, minh bạch về công tác cán bộ trong tất cả các khâu như: tuyển dụng, tiếp nhận, điều động, đánh giá, quy hoạch, bổ nhiệm, chuyển ngạch, nâng ngạch và thực hiện chế độ, chính sách đối với cán bộ… và không để xảy ra sai phạm, tiêu cực. Sáu là, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát đối với đội ngũ cán bộ tham mưu về công tác tổ chức, cán bộ. Qua kiểm tra, giám sát sẽ giúp cấp ủy các cấp đánh giá sát, đúng về thực trạng đội ngũ tham mưu về công tác cán bộ trong cơ quan, đơn vị. Từ đó, phát hiện, xử lý các sai phạm (nếu có); chấn chỉnh hoặc kỷ luật đối với một số cá nhân, cấp ủy, tổ chức đảng có khuyết điểm, vi phạm trong công tác cán bộ; kiểm soát chặt chẽ quyền lực trong công tác cán bộ; chống chạy chức, chạy quyền, nâng cao chất lượng công tác tham mưu.

Mặt khác, nâng cao trách nhiệm của các tổ chức đảng và người đứng đầu trong việc thực hiện có chất lượng, hiệu quả chế độ kiểm tra, giám sát đối với tất cả các khâu của công tác cán bộ. Mọi dấu hiệu không bình thường về công tác cán bộ cần phải được kiểm tra, xem xét, kết luận; nếu có vi phạm phải xử lý công khai, khách quan, dân chủ, bảo đảm đúng nguyên tắc, quy trình, thủ tục. Tiếp tục tăng cường công tác kiểm tra, giám sát cấp ủy, tổ chức đảng, người đứng đầu và cán bộ, đảng viên trong việc chấp hành Điều lệ Đảng, các quy định, hướng dẫn của Trung ương về công tác cán bộ, nhất là việc chấp hành Nghị quyết Trung ương 4 khóa XI, XII gắn với thực hiện Chỉ thị 05- CT/TW của Bộ Chính trị. Phát huy hơn nữa vai trò của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội trong việc giám sát cán bộ; xem đây là kênh thông tin quan trọng, giúp cấp ủy, tổ chức đảng và người đứng đầu trong việc nhận xét, đánh giá, bổ nhiệm, đề bạt, đào tạo, luân chuyển, thi hành kỷ luật và thực hiện chính sách đối với cán bộ./.

 

Bùi Huy Thạo

 

______________________________

Bài đăng TCTG số 6/2019

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất