Thứ Bảy, 28/9/2024
Nghiên cứu trao đổi
Thứ Hai, 21/12/2009 21:32'(GMT+7)

Huyện KonPLông với công tác giữ gìn và phát huy bản sắc văn hoá các dân tộc

Nhà rông văn hoá và cây Cơ-nia tại trung tâm huyện KonPlông.

Nhà rông văn hoá và cây Cơ-nia tại trung tâm huyện KonPlông.

Huyện KonPlông được tái thành lập theo Nghị định số 14/NĐ-CP ngày 31 tháng 01 năm 2002 của Chính phủ với diện tích đất tự nhiên toàn huyện là 137.964 ha trong đó phần lớn là đất lâm nghiệp; tổng dân số tính đến ngày 01 tháng 04 năm 2009 là 20.302 người, dân tộc thiểu số chiếm hơn 91,23% dân số toàn huyện, gồm 5 thành phần dân tộc (Mơ Nâm, Ka dông, Sê đăng, Hre và Kinh) sống chan hoà, đan xen, đoàn kết với nhau, mỗi dân tộc có một nét văn hoá riêng, phong tục tập quán sản xuất, sinh hoạt văn hoá khác nhau, góp phần tạo nên sự đa dạng của nền văn hoá Việt Nam. Nền văn hoá hình thành trên cơ sở nền kinh tế nông nghiệp nương rẫy, tự cấp, tự túc, phụ thuộc nhiều vào thiên nhiên, gắn bó hoà quyện với thiên nhiên và có sự giao thoa với nền kinh tế mang tính thị trường trong phương thức sản xuất hàng hoá, phát triển du lịch dịch vụ. Trước sự đan xen giữa cái cũ và cái mới, cái lạc hậu và cái tiến bộ, nét truyền thống của dân tộc với nét tinh hoa tiếp thu từ bên ngoài, công tác giữ gìn và phát huy bản sắc văn hoá các dân tộc trong huyện luôn được lãnh đạo và các ngành chức năng của huyện coi trọng.

Trong quá trình phát triển kinh tế-xã hội huyện luôn xác định phát triển văn hóa là nền tảng tinh thần xã hội, gắn kết và đồng bộ với phát triển kinh tế là trung tâm, xây dựng Đảng là then chốt.

Ngày 15/01/2004 Ban Thường vụ Huyện ủy đã ban hành Nghị quyết 06-NQ/HU về đẩy mạnh cuộc vận động "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa" và phát triển văn hóa, thông tin-thể dục thể thao; cùng thực hiện song song với đó là Chương trình số 33 - CTr/HU về thực hiện Kết luận Hội nghị Trung ương 10 khoá IX về tiếp tục thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 (khoá VIII) về xây dựng nền văn hoá Việt Nam tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc. Những năm qua các cấp uỷ đảng, chính quyền và nhân dân trên địa bàn huyện hết sức quan tâm tới công tác giữ gìn và phát huy bản sắc văn hoá truyền thống của đồng bào các dân tộc, tạo điều kiện để làm sống dậy mọi tiềm năng văn hóa như là một nguồn lực nội sinh mạnh mẽ thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và ổn định xã hội của huyện nhà.

Cấp ủy, chính quyền huyện rất quan tâm đến vấn đề sưu tầm, gìn giữ và phát triển văn hóa truyền thống. Hằng năm, huyện chỉ đạo Phòng văn hoá thông tin tuyên truyền, hướng dẫn cơ sở xây dựng kế hoạch, duy trì tổ chức các hoạt động văn hóa-văn nghệ, lễ hội với nhiều hình thức phong phú, thu hút đông đảo quần chúng nhân dân hưởng ứng tham gia. Các đội cồng chiêng, đội văn nghệ quần chúng thường xuyên tham gia giao lưu văn hóa, văn nghệ do các ngành các cấp tổ chức. Qua đó, giới thiệu và tuyên truyền một số nét văn hóa đặc sắc của đồng bào các dân tộc thiểu số trên địa bàn huyện, tăng cường đoàn kết gắn bó, trao đổi học tập kinh nghiệm trong hoạt động văn hóa, văn nghệ. Thông qua những làn điệu dân ca, dân vũ và tái hiện lại các lễ hội dân gian mang đậm truyền thống của đồng bào các dân tộc thiếu số, các Đội cồng chiêng, Đội văn nghệ quần chúng từ huyện đến cơ sở đã góp phần khơi dậy và gìn giữ những phong tục tập quán tốt đẹp, cổ vũ, vận động bà con quý trọng và phát huy vốn văn hóa truyền thống của mình trong việc xây dựng đời sống văn hóa mới, bài trừ các tập tục lạc hậu và các tệ nạn xã hội.

Bên cạnh việc phát huy các giá trị văn hóa truyền thống, công tác bảo tồn văn hóa phi vật thể cũng là một trong những nhiệm vụ quan trọng. Hàng năm Phòng VH&TT huyện tiến hành điều tra đời sống văn hoá cơ sở 6 tháng 01 lần, nhằm bảo tồn và giữ gìn bản sắc văn hoá của địa phương đặc biệt là các nhạc cụ dân tộc như: Cồng chiêng, đàn Brân, Tà vẩu, các điệu múa, hát dân ca, dân vũ cũng được giữ gìn, bảo lưu và phát triển. Đồng thời, huyện giao cho Phòng VH-TT phối hợp với Công ty Sài Gòn-Măng Đen đón đoàn nghệ nhân từ các thôn, làng về Trung tâm huyện giới thiệu và quảng bá có hiệu quả cho du khách về bản sắc văn hoá đặc trưng của đồng bào các dân tộc sinh sống trên địa bàn huyện. Đặc biệt, UBND huyện đã mời đoàn của Viện âm nhạc về làng KonBing xã ĐắkLong nghiên cứu văn hoá, âm nhạc truyền thống của nhân dân để xây dựng, phát triển làng văn hóa du lịch.

Các lễ hội truyền thống, liên hoan nghệ thuật dân tộc, diễn xướng, trò chơi dân gian, phong tục, nếp sống đẹp... đã được khôi phục và phát triển. Đề án “xây dựng và phát triển Nhà văn hóa cộng đồng thôn, làng”; Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống khu dân cư”; Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, toàn dân bảo vệ và phát triển văn hóa đã tạo môi trường lành mạnh, thuận lợi cho công tác giữ gìn, bảo tồn, phát huy giá trị của di sản văn hóa cũng như nền văn hóa dân tộc. Từ một điểm trắng trong công tác xây dựng gia đình văn hóa, làng văn hóa (năm 2002), đến cuối tháng 11/2009 có 3.448 gia đình tham gia đăng ký gia đình văn hóa, đạt 79% số hộ. Qua bình xét hàng năm, số hộ đạt chuẩn gia đình văn hóa đến cuối năm 2008 là 2.431/4.336 hộ, đạt 54%; tổng số thôn được công nhận danh hiệu thôn văn hóa: 25 thôn/89 thôn, đạt tỷ lệ 28%, trong đó có 4 thôn văn hóa tiêu biểu; bước đầu hình thành một số nghi thức mới trong việc cưới, việc tang, lễ hội; cải tiến phong tục tập quán lạc hậu của các dân tộc thiểu số còn tồn tại. Các lễ hội diễn ra đều đảm bảo vui tươi, hướng về cội nguồn, an toàn, tiết kiệm; phần lễ và phần hội cơ bản đã khơi dậy truyền thống tốt đẹp của dân tộc. Các hoạt động lễ hội đã đáp ứng nhu cầu sinh hoạt văn hóa tâm linh và sinh hoạt văn hóa-thể thao của nhân dân. Đặc biệt, tượng đài chiến thắng Măng Đen được xây dựng tại trung tâm huyện, đã hoàn thành và đưa vào khai thác vào cuối năm 2009 đã phần nào giáo dục nét truyền thống, văn hóa của các dân tộc trong huyện.

Huyện KonPlông luôn chú trọng bảo tồn, khôi phục những ngôi nhà truyền thống của đồng bào các dân tộc Tây Nguyên


Thực hiện Chỉ thị 21/1999/CT-UB, ngày 25/11/1999 của Ủy ban nhân dân tỉnh Kon Tum về việc duy trì và khôi phục nhà rông truyền thống ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số, huyện đã xây dựng và thực hiện đề án “xây dựng và phát triển nhà văn hóa cộng đồng”, đến cuối năm 2009 trên địa bàn huyện đã xây dựng được 82 nhà rông, nhà dài văn hóa (gọi chung là nhà văn hóa cộng đồng), được đầu tư trang thiết bị như loa, đài, Ti vi, bàn ghế, ảnh Bác Hồ, cờ Tổ quốc… đưa vào sử dụng có hiệu quả.

Cồng chiêng là một trong những nhạc cụ quý giá, là niềm tự hào âm vang núi rừng của đồng bào các dân tộc Tây nguyên nói chung và huyện KonPlông nói riêng. Tuy nhiên, với sự phát triển không ngừng của xã hội trên mọi lĩnh vực trong thời kỳ hội nhập nên đa số nhân dân các dân tộc thiểu số ở địa phương được tiếp xúc và học hỏi nhiều, đồng thời sự xâm nhập của nền văn hóa tiên tiến trên thế giới phần nào đã đánh mất dần những nét đặc sắc của các dân tộc bản địa, các bộ cồng, chiêng của dân tộc có thể bị thất thoát, mất trộm, bán đi…, những nét văn hóa truyền thống của người dân tộc thiểu số đã bị mai một dần, các bộ đồ truyền thống, các nhạc cụ dân tộc chỉ được giữ lại và làm trang phục trong các ngày lễ hội. Trước thực trạng đó, cấp ủy đảng, chính quyền địa huyện đã quan tâm chỉ đạo quyết liệt trong việc giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, khôi phục các ngành nghề, làng nghề truyền thống như đan lát, dệt thổ cẩm, lưu giữ các bộ cồng chiêng và phát triển không gian văn hóa cồng chiêng. Tính đến cuối năm 2009, toàn huyện còn lưu giữ 80 bộ cồng chiêng, thành lập 11 đội cồng chiêng, đội văn nghệ dân gian ở các thôn; xây dựng Phòng truyền thống và lưu giữ 40 hiện vật của dân tộc bản địa, gồm các trang phục, nhạc cụ, khí cụ, công cụ sản xuất, hàng thổ cẩm của đồng bào các dân tộc thiểu số trên địa bàn huyện nhằm quảng bá nét văn hoá truyền thống của đồng bào các dân tộc thiểu số trong huyện khi du khách thập phương đến tham quan.
Để tiếp tục triển khai thực hiện tốt việc giữ gìn, bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của các dân tộc huyện KonPlông, trong năm 2010 và những năm tiếp theo, huyện xây dựng chương trình, kế hoạch cụ thể sát với tình hình, điều kiện thực tế của địa phương. Trong đó, tập trung vào việc duy trì các lễ hội truyền thống, giữ gìn và phát huy các giá trị di tích văn hóa, lịch sử trên địa bàn huyện; đồng thời cần tập trung vào các giải pháp chủ yếu sau:

Một là: Giải quyết hài hoà mối quan hệ giữa phát triển kinh tế với kế thừa và phát triển văn hoá, bởi kinh tế là nền tảng, là cơ sở để văn hoá thăng hoa. Ngược lại, khi những vấn đề văn hoá có điều kiện phát triển sẽ tạo nhiều thuận lợi để kinh tế phát triển nhanh và bền vững. Do vậy, đối với đồng bào các dân tộc thiểu số, bên cạnh những chính sách xoá đói, giảm nghèo, hỗ trợ vốn, giống cây trồng, vật nuôi cho phù hợp với điều kiện tự nhiên ở địa bàn, thì đồng thời tích cực chuyển giao công nghệ, đào tạo đội ngũ cán bộ văn hoá, kỹ thuật lành nghề và chú trọng vào đối tượng là con em của đồng bào các dân tộc thiểu số. Cần tiếp tục đầu tư hơn nữa về nhân tố con người và cơ sở vật chất cho ngành văn hoá từ huyện đến cơ sở góp phần nâng cao dân trí, đào tạo và bồi dưỡng nhân tài cho địa phương.

Hai là: Cần tiếp tục quan tâm đầu tư thoả đáng cho công tác sưu tầm, khôi phục lại nhà Rông, nhà dài truyền thống vì đây là địa điểm sinh hoạt văn hoá có ý nghĩa tâm linh rất lớn cho đồng bào, cho thanh niên các dân tộc thiểu số. Đồng thời cho khôi phục và tổ chức lại các lễ hội còn có ý nghĩa tâm linh và giáo dục đối với đời sống văn hoá cộng đồng, thường xuyên tổ chức các lễ hội giao lưu văn hoá như Ngày hội đại đoàn kết các dân tộc, liên hoan văn hoá, ngày hội văn hoá các dân tộc thiểu số trên địa bàn huyện.

Ba là: Giữ gìn và phát huy các giá trị văn hoá truyền thống các dân tộc thiểu số không chỉ là công việc của các cấp chính quyền mà còn là sự đồng thuận của các dân tộc theo quan điểm “ý Đảng, lòng dân”. Đầu tiên là phải giáo dục cho đồng bào các dân tộc hiểu được tầm quan trọng của các giá trị văn hoá, nhất là với lớp người trẻ, bởi đây sẽ là lực lượng kế cận quyết định sự tồn vong bản sắc văn hoá dân tộc. Đồng thời phải có chính sách thu hút những người tham gia vào quá trình bảo tồn và phát huy các giá trị như văn nghệ sĩ, các nghệ nhân, các nhà nghiên cứu văn hoá, văn nghệ từ khắp nơi trong cả nước đến và gắn bó với mảnh đất, với con người nơi đây. Trên cơ sở đó tiếp thu những cái mới, cái tiến bộ của văn hoá bên ngoài, giữ gìn những nét văn hoá truyền thống của đồng bào các dân tộc, loại bỏ dần các hủ tục, tập quán lỗi thời, lạc hậu.

Bốn là: Những người làm công tác văn hoá cần nắm bắt được tâm tư, nguyện vọng hưởng thụ văn hoá chính đáng của đồng bào, và làm tốt công tác tham mưu cho chính quyền về các vấn đề văn hoá xã hội kịp thời. Đồng thời Nhà nước cần có chính sách ưu đãi, trợ cấp thoã đáng để cán bộ làm công tác văn hoá yên tâm công tác. Đối với công tác văn hoá ở từng thôn, làng cần phát huy vai trò của Già làng, trưởng thôn và các nghệ nhân trong công tác tuyên truyền, vận động giáo dục, thuyết phục bà con trong thôn, làng noi theo trong công tác xoá đói, giảm nghèo, thực hiện chủ trương của Đảng, chính sách và pháp luật của Nhà nước. Đây là những người có uy tín cao trong cộng đồng, là hạt nhân của khối đại đoàn kết ở cơ sở, và chính họ sẽ là những người đào tạo và giúp lớp trẻ nhận thức đầy đủ về ý nghĩa và giá trị của các di sản văn hoá truyền thống.

Truyền thống văn hóa của đồng bào các dân tộc cần được bảo tồn, cần được làm sống dậy tiềm năng to lớn của nó để góp phần vào sự nghiệp xây dựng và giữ gìn nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc. Đây là công việc hết sức cần thiết, hết sức có ý nghĩa, bởi nếu không có giải pháp bảo tồn, phát huy một cách thiết thực, có hiệu quả thì nhiều di sản văn hóa, cả vật thể và phi vật thể sẽ nhanh chóng bị hủy hoại bởi thời gian, bởi mặt trái của cơ chế thị trường.

Bài, ảnh: Võ Thị Mỹ Thu
Ban Tuyên giáo Huyện uỷ KonPlông - Kon Tum

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất