Thứ Năm, 28/11/2024
Nghiên cứu trao đổi
Thứ Hai, 22/6/2009 22:35'(GMT+7)

Phim “Bộ tứ 10A8” giáo dục gì cho tuổi Teen?

8 phút/1 tập phim khiến người xem cảm thấy chưng hửng

8 phút/1 tập phim khiến người xem cảm thấy chưng hửng

Tuy nhiên, khác với những gì được quảng cáo rầm rộ trước đó, “Bộ tứ 10A8” mới chỉ khắc họa được lối sống ăn chơi, suy nghĩ thực dụng của một bộ phận giới trẻ hiện nay.

* 8 phút phát sóng nói lên điều gì?

Nếu không cập nhật thông tin, đọc những lời quảng cáo giới thiệu về “Bộ tứ 10A8” thì có lẽ khán giả truyền hình sẽ chẳng thể hiểu nổi tại sao vào khoảng thời gian lưng chừng là 22h10 từ thứ 2 đến thứ 6 lại có một đoạn không ra phim, không ra tiểu phẩm, không ra clips nói về lối sống của những “cậu ấm, cô chiêu” thời hiện đại. Cũng may, phần giới thiệu của “Bộ tứ 10A8” có nền nhạc vui nhộn, trên màn hình cũng ghi cặn kẽ các diễn viên tham gia, êkip thực hiện, tác giả các bài hát sử dụng trên phim… thì người xem mới thấy dáng dấp của một bộ phim.

Điều ghi nhận khi lần đầu tiên xem bộ phim này là lạ và độc. Lạ, bởi bộ phim đậm chất teen: diễn viên đều là học sinh, xinh xắn, trang điểm, trang phục, đầu tóc đều rất cầu kỳ nếu không muốn nói là rất mốt, theo xu hướng thời trang thịnh hành nhất của những “hot girl”, “hot boy” hiện nay. Còn độc, bởi mỗi tập phim chỉ có 7 – 8 phút, có thể xếp vào dạng “độc nhất, vô nhị” về thời lượng phát sóng của phim truyền hình Việt Nam. Có lẽ, êkip làm “Bộ tứ 10A8” đều là thế hệ 8x, 9x nên muốn mang những ý tưởng mới lạ, khác người vào cách làm phim mới chăng?

Chắc hẳn rằng, đạo diễn và êkip làm phim sẽ có cách lý giải về phương pháp làm phim mới, có điều, sự sáng tạo trong cách làm phim của “Bộ tứ 10A8” cũng không ít lần làm khán giả chưng hửng, nếu không muốn nói là không hiểu gì. Phim mới chiếu được vài cảnh với vài lời thoại, khán giả chưa kịp ngồi ấm chỗ, chưa kịp biết “đầu cua tai nheo” thế nào, diễn viên đang đối thoại điều gì thì đã… hết.

Cứ cho là những nhà làm phim muốn phá cách, làm những tập phim ngắn và khán giả phải xem ít nhất 3 – 5 tập phim liền nhau thì mới hiểu tình huống đưa ra, nhưng việc bắt khán giả xem những lời thoại không gãy gọn, mỗi tập phim chỉ là vài cảnh quay không rõ đầu cuối thì sẽ rất dễ khiến người xem có cảm giác phim là những mẩu lộn xộn, vớ vẩn.


Phim nói về lối sống, suy nghĩ của học sinh Việt Nam nhưng lại giống thế giới học đường của học sinh Nhật Bản, Hàn Quốc

Làm phim ngắn khó hơn làm phim dài, đó là điều mà tất cả những nhà làm phim chuyên nghiệp đều hiểu rõ hơn ai hết. Bởi, ở phim ngắn, đạo diễn phải “bó” mọi ý đồ nghệ thuật vào một khoảng thời gian nhất định mà ở đó không có chỗ cho sự lê thê, giải thích. Còn ở bộ phim “Bộ tứ 10A8”, tiếng là làm tập phim ngắn nhưng lại chứa ý tưởng, cấu trúc và nội dung dài dòng, diễn biến chậm. Nếu xâu chuỗi mạch phim thì có thể thấy việc chiếu phim 8 phút/ngày chẳng qua là cách chẻ mỗi tập phim làm nhiều mảnh mà thôi. Chưa kể, phim dành cho tuổi teen, mà lại chiếu vào giờ lẽ ra những teen ở tuổi cắp sách đến trường đã phải đi ngủ, thì xem ra cũng chẳng ổn chút nào!

* Phải chăng thế hệ trẻ bây giờ chỉ toàn ăn chơi?

Nội dung của phim xoay quanh 4 nhân vật chính là Phan Linh - La La - Mai Lâm - Đô Đô. Mỗi nhân vật đều có những cá tính khác nhau, một cô hậu đậu, một cô lơ đễnh như trẻ con, một cô có phong thái của “nam nhi”, và một anh chàng hám tiền.

Mặc dù đây là phim về thế giới học đường, nhưng đạo diễn nhắc đến việc học chỉ là… phụ. Các nhân vật đóng vai trò là học sinh được làm tóc khá cầu kỳ, keo vuốt bóng mượt, cặp nơ đủ 7 sắc cầu vồng bím đầy trên tóc, chưa kể đồng phục lại na ná học sinh Nhật Bản, Hàn Quốc với váy ngắn lơ lửng ngang... đùi.


Ở Việt Nam, liệu có chuyện nữ sinh kè kè chiếc máy khâu trong lớp học?

Nếu chỉ nhìn hình thức các nhân vật, người xem dễ liên tưởng bộ phim đang nói về đời sống của học sinh Nhật, Hàn hơn là thế giới học đường của Việt Nam. Còn nếu xem tình huống phim thì lại thấy nhang nhác giống một số bộ phim học đường của Mỹ. Phim cũng có cảnh nữ học sinh uốn éo làm dáng để “câu” những anh chàng đẹp trai của trường; cũng có chi tiết một nữ sinh làm “hot girl” thích chơi trội, đỏng đảnh, bắt các cô bạn khác phải vây quay, ca tụng; rồi có một anh chàng mở mồm ra là nói tiền, làm gì cũng tính toán thiệt hơn…

Nếu như cứ áp lý thuyết nghệ thuật phản ánh hiện thực cuộc sống, thì những điều phản ánh trên phim “Bộ tứ 10A8” chẳng phải là bức tranh về lối sống của giới trẻ bây giờ hay sao? Nếu quả vậy thì chẳng phải thế giới học đường của Việt Nam cũng cần phải được xem lại? Sẽ thật đáng lo ngại khi mà trong môi trường giáo dục, cô lớp trưởng ra hiệu cả lớp đứng chào thầy cô giáo bằng cách giơ tay búng tanh tách như nhân vật Mai Lâm, hay việc nữ sinh không tập trung việc học mà lúc nào cũng kè kè một chiếc máy khâu để có thể may vá bất cứ chỗ nào, bất cứ nơi đâu ở lớp học như nhân vật La La…


Khi xây dựng hình tượng cho giới trẻ, các nhà làm phim nên cân nhắc kỹ


Những điều phản ánh trên phim “Bộ tứ 10A8” có thể chỉ là cách điệu, thêm bớt để tăng tính hấp dẫn, tươi mới của phim, nhưng có lẽ nó cũng sẽ khiến các bậc phụ huynh khi xem có lý do để lo lắng con em mình sẽ bắt chước theo phim.

Trong một phạm vi nào đó thì phim ảnh không chỉ đơn thuần mang tính giải trí mà nó sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống tinh thần, tình cảm, lối sống của đối tượng mà nó hướng đến. Vì thế, các nhà làm phim cũng nên cân nhắc các chi tiết khi làm phim làm cho tuổi teen, độ tuổi rất dễ bị dao động và bắt chước theo những nhân vật hình tượng. Đành rằng, trên thực tế vẫn có một bộ phận giới trẻ thích chơi trội, thể hiện mình bằng hình thức nhưng đó không phải là số đông, vì thế những tính cách đó không nên được xây dựng như đặc điểm điển hình cho giới trẻ Việt Nam.

Theo Lệ Quyên-HaNoiMoi

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất