(TCTG)- Festival Biển 2009 đã kết thúc bằng lễ bế mạc đầy ấn tượng sau một tuần lễ với đậm đặc các sự kiện văn hoá đặc sắc kết hợp hài hoà giữa đất trời xứ sở trầm hương và biển yến. Biết bao du khách chưa khỏi lưu luyến bịn rịn không muốn chia xa bởi dư âm mới đó về một lễ khai mạc lộng lẫy mang đậm dấu ấn văn hóa biển…Sẽ không quá cầu toàn, nhưng vẫn không ít người tiếc nuối về những điều chưa trọn vẹn…
Festival Biển - thành công ngoài mong đợi
Với định kỳ hai năm một lần, đây là lần thứ tư kể từ năm 2003, tỉnh Khánh Hoà phối hợp với tỉnh Morbihan (Pháp) tổ chức lễ hội văn hoá quy mô lớn tại Nha Trang - thành phố vừa được công nhận là đô thị loại 1. Một Nha Trang - Khánh Hòa giàu bản sắc văn hóa, tiềm năng kinh tế…hiện ra qua hơn 60 sự kiện, hoạt động văn hóa, nghệ thuật truyền thống và đương đại đặc sắc. Festival Biển 2009 diễn ra suốt một tuần (từ 6/6 -12/6/2009) dọc bờ biển Nha Trang và tại các điểm du lịch, danh lam thắng cảnh nổi tiếng như Tháp Bà Ponagar, Hòn Chồng, Hòn Tre, Hòn Tằm, Hòn Ngọc Việt, bãi biển trung tâm, Vịnh Nha Trang... Nhân dịp này, tỉnh Khánh Hoà đã miễn phí tham quan vịnh Nha Trang và tất cả điểm diễn ra các sự kiện văn hóa, nghệ thuật.
“Nha Trang – Khánh Hòa văn minh và thân thiện” là thông điệp chính của Festival Biển 2009. Các hoạt động động văn hoá, văn nghệ, thể dục, thể thao mang ý nghĩa sâu sắc ca ngợi bản sắc văn hoá, quảng bá thế mạnh kinh tế du lịch biển của xứ Trầm Hương- vùng đất được thiên nhiên ưu ái ban tặng vịnh Nha Trang- một trong những vịnh đẹp nhất thế giới, cũng là danh thắng cấp quốc gia. Chủ đề biển thân thiện đã được thể hiện rất tập trung từ trước lễ hội với 10 chương trình chào mừng: Giải Bóng đá bãi biển toàn quốc; Giải bóng chuyền nữ bãi biển quốc tế; chương trình ca nhạc: “Giấc mơ về biển” trên đảo Hòn Ngọc Việt; Nha trang - Ngày đi bộ vì hoà bình và biển xanh; XQ với Lễ hội Rượu vang, Triển lãm tranh thêu nghệ thuật; Lễ hội ánh sáng; tác phẩm điêu khắc bằng kim loại “con rồng và cây đàn tranh” (Morbihan-Pháp); Triển lãm cổ vật và chương trình Chợ tranh nghệ thuật...
Hơn 50 chương trình chính của tuần lễ hội Festival Biển đều là những sự kiện đặc sắc, ấn tượng được diễn ra liên tục trên khắp các đường phố, trung tâm văn hoá: Vẽ tranh nghệ thuật kết nối cộng đồng “bảo vệ môi trường”; Hội thảo bảo tồn sinh thái biển; Thả sinh vật biển tái tạo nguồn lợi thuỷ sản, thể dục cổ động "Nha Trang văn minh và thân thiện", "Nối vòng tay lớn", đồng diễn thể dục aerobic, dưỡng sinh, thả diều nghệ thuật, diễu hành xe đạp, xe Vespa, lễ hội đường phố... Ngoài ra, lễ hội biển năm nay còn có thêm chương trình mới đặc sắc như: Đắp tượng cát trên biển; Biểu diễn thời trang “Báu vật của biển”; Hội đua thuyền thúng, bơi biển, dù bay, Jesky, chèo xuồng, thuyền buồm; Triển lãm “vẻ đẹp trước biển…
Festival Biển Nha Trang năm nay đã chọn đúng chủ đề "Nha Trang - Viên ngọc xanh" với thông điệp bảo vệ môi trường được coi là điểm nhấn quan trọng của lễ hội. Nhiều hoạt động cộng đồng được tổ chức mang dấu ấn của chủ đề này như: gom rác toàn thành phố Nha Trang để bảo vệ môi trường; vẽ bức tranh sơn dầu lớn nhất (dài 100m) với sự tham gia của tất cả mọi người về chủ đề môi trường được diễn ra khá quy mô; cuộc đi bộ “Vì hoà bình và biển xanh”... Tại Lễ hội Biển lần này, 6 kỷ lục quốc gia được xác lập bao gồm: Chuông gió lớn nhất, Nồi phở lớn nhất (có chiều cao 1,25m, đường kính đáy 3m, có khả năng phục vụ được 17.660 người), Bình gốm to nhất, dàn nhạc dân tộc có số lượng nhạc công đông nhất (hơn 189 nhạc công), con rồng to nhất (làm bằng phế liệu inox dài 6m, cao 4m, trọng lượng khoảng 2 tấn), bức tranh bằng chất liệu sơn dầu có chủ đề Chung tay bảo vệ môi trường xanh và sạch (dài 100m, cao 1,4m).
Cũng trong khuôn khổ tuần lễ festival, nhiều cuộc hội thảo quan trọng cũng được diễn ra về "Bảo tồn sinh vật biển", "Doanh nghiệp với ngoại giao văn hoá"... Cùng với các hoạt động sôi động, Hội chợ Hàng Việt Nam chất lượng cao, với hàng trăm doanh nghiệp trong và ngoài nước đã giới thiệu những sản phẩm ưu việt cùng các hội thi bán hàng, tư vấn tiêu dùng…
Lễ hội còn có thêm chương trình từ thiện do Tập đoàn Hưng Thịnh Phát (HTP GROUP) - đơn vị tổ chức và vận động tài trợ đêm khai mạc đã phối hợp Báo Công an Nhân dân thực hiện trao tặng 1.205 con bò (trị giá 6 tỷ đồng) cho đồng bào dân tộc thiểu số ở hai huyện miền núi Khánh Sơn, Khánh Vĩnh; đêm nhạc “RAAS - Những lời yêu thương” gây Quỹ Học bổng Vừ A Dính với hơn 10 tỷ đồng tiền tài trợ.
Các đơn vị lữ hành, công ty du lịch còn tổ chức một số tour tham quan hấp dẫn như: tour lặn khám phá vịnh Nha Trang, ngắm san hô bằng tàu đáy kính, câu cá đêm trên vịnh Nha Trang; các trò chơi trên biển lần đầu tiên đưa vào chương trình lễ hội: Cuộc đua thuyền buồm, hoạt động thể thao trên biển rất sôi động với cuộc đua ván buồm, môtô nước, kéo dù bay (ca-nô kéo dù bay), kéo phao chuối (ca-nô kéo phao có 7 người ngồi), kéo ván lướt, canoeing…
Tính chuyên nghiệp và tầm quốc tế từng bước được nâng cao sau 3 lần tổ chức. Nổi bật là lễ hội carnaval do Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Khánh Hòa và Tập đoàn Raas (Mỹ) phối hợp tổ chức. Chín cảnh diễn với sự tham gia của hàng trăm diễn viên chuyên nghiệp và quần chúng đã tái hiện những nét văn hóa, lễ hội cũng như đời sống sinh hoạt của người dân vùng Nam Trung bộ như: không khí ra khơi của ngư dân với điệu hò bả trạo; âm vang tiếng cồng chiêng trong lễ hội cồng chiêng của đồng bào dân tộc Rắc Lây; điệu múa quạt, múa trống Pana-nưng đặc trưng của văn hóa Chăm... Ở lễ hội này, du khách được không chỉ được thưởng thức những nét văn hoá mang đậm bản sắc dân tộc Việt Nam, của người dân Nha Trang, mà còn được thưởng ngoạn những nét văn hoá do các đoàn nghệ thuật, các tổ chức, cá nhân đến từ Pháp, Hàn Quốc, Nhật Bản, Trung Quốc, Malaysia, Thái Lan, Lào, Uzbekistan, Hồng Kông... Và đặc biệt, Festival Biển còn có sự tham gia của đương kim Hoa hậu thế giới Ksenia Shukhinova (Nga), Hoa hậu thế giới 2004 Maria Julia Mantilla (Peru) trên xe hoa mang biểu tượng Nữ thần đại dương; Hoa hậu Indonesia 2009 Karenina Sunny Halim nổi bật giữa nền lộng lẫy do hàng trăm diễn viên tạo nên.
Những điều chưa trọn vẹn
Bên cạnh những thành công ngoài mong đợi kể trên, biết bao yêu mến dành cho thành phố được cả nước biết đến là vùng đất của rừng trầm, biển yến, thì Festival Biển 2009 vẫn còn những điều đáng tiếc, ít nhiều làm phiền lòng chính người dân địa phương cũng như du khách trong và ngoài nước.
Trước hết, do hoàn cảnh khách quan, buổi phục dựng lễ hội Cầu ngư - nét văn hóa độc đáo của ngư dân miền biển; chương trình múa “Giai điệu hòa bình” của Nhà hát ca múa nhạc dân tộc Bông Sen; chương trình biểu diễn của dàn nhạc dân tộc có số lượng nhạc công đông nhất cũng phải hoãn vì trời mưa trong niềm tiếc nuối của du khách.
Nhiều hoạt động có trong chương trình, nhưng không được tổ chức như: Đắp tượng cát, Chuông gió khổng lồ, cuộc thi chế biến của các đầu bếp chuyên nghiệp, hội thảo “Đầu tư và phát triển du lịch”…
Nhiều hoạt động của Festival Biển bị thay đổi về thời gian, nhưng không được thông báo khiến những người tác nghiệp và cả Ban Tổ chức hết sức bị động, lúng túng;
Festival Biển là cơ hội để các doanh nghiệp du lịch vào cuộc, nhưng thực tế doanh nghiệp du lịch ít tham gia vào chương trình hoạt động chính. Vì thế, nhiều hoạt động khá hấp dẫn của các doanh nghiệp Khánh Hòa đã không được đưa vào chương trình của Festival để quảng bá như lễ hội “Hoa quả sơn” (Công ty Du lịch Long Phú), chương trình biểu diễn tập thể của các bartender (pha chế rượu) của Trung tâm Đào tạo nghiệp vụ du lịch Yasaka-Sai gon-Nha trang;
Một điều đáng tiếc dù được quảng bá rầm rộ, thu hút sự chú ý, nhưng do đặt ở địa điểm không thuận lợi, nhiều du khách không có điều kiện chứng kiến nồi phở kỷ lục và thưởng thức tô phở kỷ lục. Chưa kể, sự kiện được coi là “kỷ lục” ấy đã bộc lộ sự mâu thuẫn giữa việc quảng bá với hoạt động thực tế (nồi phở được công bố có thể phục vụ cho hơn 17.000 người ăn, nhưng thực tế chỉ đủ cho khoảng 600 khách).
Việc kêu gọi các doanh nghiệp, nhà tài trợ xã hội hóa các hoạt động của Festival là một chủ trương đúng đắn. Trên tinh thần đó, Festival Biển 2009 đã kêu gọi được một số nhà tài trợ lớn như tập đoàn RAAS, VinCapital, Tập đoàn Hưng Thịnh Phát… Nhưng một số nhà tài trợ vi phạm văn hoá doanh nghiệp (bỏ sự kiện, cắt xén chương trình tổ chức không đến nơi đến chốn) trong khi cuộc Hội thảo “Ngoại giao văn hóa Việt Nam và đóng góp của cộng đồng doanh nghiệp” vừa diễn ra và cũng là một hoạt động trong Festival Biển 2009 đang đặt ra nghiêm túc vấn đề văn hóa doanh nghiệp.
Chuyện muôn đời “biết rồi” ấy vẫn tồn tại ở một thành phố được coi là có duyên với tổ chức sự kiện. Đó là một số hiện tượng thiếu văn hoá ngang nhiên xuất hiện tại một số điểm hoạt động lễ hội làm phiền lòng du khách và đặc biệt du khách quốc tế, như: ăn xin, ăn mày, chèo kéo, đeo bám khách, nâng giá tuỳ tiện…
Festival Biển 2009 đã kết thúc với dư vị khó quên, những ấn tượng đẹp đẽ về xứ sở trầm hương và sẽ còn đọng lại trong lòng người dân, du khách. Không quá cầu toàn, những tồn tại của bất kỳ lễ hội nào cũng là điều khó tránh khỏi. Song những điều bất cập, chưa trọn vẹn ấy, hy vọng sẽ là bài học kinh nghiệm quý để những lần Festival sau tổ chức thành công hơn.
Trước hết, cần rút kinh nghiệm nghiêm túc, rút ra bài học kinh nghiệm để dần khắc phục những tồn tại không đáng có;
Cần chủ động nội dung kịch bản, có chính kiến và không quá lệ thuộc vào đơn vị tài trợ; cần có những cam kết chặt chẽ để có hình thức xử lý với các đơn vị tài trợ bỏ sự kiện, hoặc có tổ chức nhưng không đúng với nội dung cam kết gây tổn hại uy tín của Ban tổ chức; cần chú trọng việc lựa chọn những nhà tài trợ có uy tín có kinh nghiệm tổ chức những hoạt động văn hóa lớn.
Cần chú ý xây dựng cơ sở hạ tầng đạt chất lượng đón du khách trong nước và quốc tế; Tăng cường tập huấn nâng cao tính chuyên nghiệp trong tổ chức sự kiện; chú trọng xây dựng văn hoá giao tiếp và nâng cao chất lượng sản phẩm dịch vụ văn hoá nhằm quảng bá giơí thiệu tiềm năng thế mạnh của tỉnh nói riêng và đất nước nói chung.
Việc khuyến khích các tổ chức, cá nhân tổ chức hoạt động hưởng ứng Festival Biển là điều cần thiết nhưng chỉ nên đưa những hoạt động lớn vào chương trình chính thức của Ban tổ chức, còn lại có thể coi là hoạt động bên lề, tránh ôm đồm thiếu điểm nhấn.
Festival biển 2009 với các hoạt động văn hóa, nghệ thuật truyền thống và đương đại đã hướng tới việc giới thiệu, quảng bá những tiềm năng, thành tựu về kinh tế, văn hoá, xã hội của Nha Trang - Khánh Hoà và góp phần quảng bá hình ảnh du lịch Việt Nam. Đây là sân chơi, là cơ hội giao lưu văn hoá, kinh tế trong và ngoài nước cho mọi người dân địa phương cũng như khách du lịch. Khánh Hoà là xứ trầm hương, Non cao biển rộng người thương đi về đã là lời mời tha thiết đối với du khách bốn phương. Sau 3 lần tổ chức khá thành công, Festival biển 2009 đã đánh dấu bước chuyển mạnh mẽ của Nha Trang - Khánh Hòa trong thời kỳ hội nhập và phát triển. Hy vọng Festival biển tới với sự sáng tạo, đổi mới không ngừng và nghiêm túc rút kinh nghiệm TP Nha Trang vẫn là điểm đến hấp dẫn thu hút đông đảo khách du lịch, đặc biệt là du khách quốc tế đến với Nha Trang, Việt Nam.
Lê Thị Bích Hồng