Một thực trạng được bà Fiona đưa ra, hiện nay những khoản hối lộ nhỏ đã thành phổ biến và nhiều người đều trả phí để “bôi trơn” các dịch vụ công. Đặc biệt, nguy hiểm hơn là việc “đưa và nhận phong bì” khi dùng dịch vụ công đã thành thông lệ.
Muốn cải thiện tình hình trên, bà Fiona cho rằng: Cần phải xoay chuyển thói quen và nhận thức từ chính người dân. Ngoài ra, trách nhiệm giải trình và tính minh bạch cũng đóng vai trò thiết yếu để đẩy mạnh tính minh bạch hiệu quả ở lĩnh vực công.
Trách nhiệm giải trình ở đây hàm chứa cả trách nhiệm của các nhà cung cấp dịch vụ công trong việc mang đến các dịch vụ hợp lý, đầy đủ và hiệu quả cho người dân, cũng như trách nhiệm của người dân trong việc đòi hỏi quyền được có các dịch vụ chất lượng. Đấy là quá trình tương tác 2 chiều để đảm bảo chất lượng dịch vụ được cải thiện.
“Minh bạch là một công cụ đặc biệt quan trọng để quá trình tương tác này hoạt động. Người dân cần được cung cấp thông tin về các dịch vụ một cách đầy đủ, chính xác, kịp thời và ý thức được họ có thể kỳ vọng điều gì khi sử dụng các dịch vụ”, bà Fiona nhấn mạnh.
Còn theo Phó Tổng thanh tra Chính phủ Trần Đức Lượng, muốn người dân tham gia vào chống tham nhũng thì phải bảo vệ được sự an toàn của họ.
“Hiện nay pháp luật đã quy định bảo vệ người chống tham nhũng. Nhưng thực sự các quy định hiện nay vẫn còn chung chung, đi vào thực tiễn chưa cao”, ông Lượng nhìn nhận.
* Cũng trong ngày 9/12 - Ngày Chống tham nhũng Quốc tế, Tổ chức Minh bạch Quốc tế đã công bố kết quả nghiên cứu tham nhũng trong 12 tháng qua, theo đó, cứ 4 người có 1 người đã đưa tiền hối lộ cho 1 trong 9 cơ quan như y tế, giáo dục hoặc cơ quan thuế... Tuy nhiên, cảnh sát là đối tượng được cho là nhận hối lộ nhiều nhất với 29% số người có rắc rối với cảnh sát đều phải đưa hối lộ.
Châu Phi cận Sahara là khu vực tiêu cực nhất với tỷ lệ cứ 2 người có hơn 1 người đưa hối lộ trong 12 tháng qua. Trung Đông và Bắc Phi là khu vực tiếp theo với tỷ lệ 36%, các nước thuộc Cộng hòa Xô Viết cũ chiếm 32%, Nam Mỹ chiếm 23%, Balkans và Thổ Nhĩ Kỳ chiếm 19%, châu Á Thái Bình Dương chiếm 11% và tỷ lệ này châu Âu, Bắc Mỹ là 5%.
Các quốc gia đứng đầu danh sách về vấn nạn đưa hối lộ là Afghanistan, Campuchia, Cameroon, India, Iraq, Liberia, Nigeria…
Thi sáng kiến về phòng, chống tham nhũng |
Chương trình Sáng kiến phòng chống tham nhũng Việt Nam năm 2011 do Thanh tra Chính phủ phối hợp với Ngân hàng Thế giới (WB) phát động với chủ đề “Tăng cường liêm chính công và thực thi pháp luật góp phần phòng chống tham nhũng hiệu quả”.
Cuộc thi có 4 chủ đề chính mà người dự thi có thể tập trung vào trong việc xây dựng đề án phòng chống tham nhũng của mình, gồm: Xây dựng một nền hành chính phục vụ; tăng cường liêm chính công và đạo đức công vụ; nâng cao tính minh bạch và quyền tiếp cận thông tin và Nâng cao hiệu lực thực thi chính sách, pháp luật.
Đối tượng dự thi là tất cả các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước, trừ các đơn vị là Thanh tra ở Trung ương (Thanh tra Chính phủ, Thanh tra các bộ ngành Trung ương), các đơn vị công an, quân đội, Ngân hàng Thế giới và những đơn vị có tham gia tổ chức cuộc thi này.
Thời hạn dự thi bắt đầu từ hôm nay đến hết ngày 31/5/2011, vòng sơ khảo từ ngày 1/6-30/6/2011, từ 18-19/8/2011 là vòng chung kết và trao đổi tri thức diễn ra tại Hà Nội.
Bài dự thi phải gửi đến Ban Tổ chức hạn cuối cùng là 17h ngày 31/5/2011 về địa chỉ: Vụ Hợp tác quốc tế, Thanh tra Chính phủ, D29 Phố Trần Thái Tông, quận Cầu Giấy, Hà Nội, email: giv.ic@thanhtra.gov.vn.
Trong Chương trình 2011 này, dự kiến sẽ lựa chọn ít nhất 20 đề án xuất sắc nhất để tài trợ kinh phí thực hiện, mỗi đề án có thể được cấp tối đa 290 triệu đồng (15.000 USD). |
Theo Báo Khoa học & Đời sống