Nhớ lại Sea game 25 - năm 2005 - tại Philippines, đội bóng Việt Nam dính vào tiêu cực dàn xếp tỷ số trong trận gặp đội Myanmar. Sáu cầu thủ của đội tuyển nước ta đã dính vào bê bối, trong đó có Quốc Anh. Họ không phải là những cầu thủ giỏi nhất, nhưng là những cầu thủ trẻ có nhiều triển vọng. Vụ án đã được mang ra xét xử, có người bị tù 4 năm, Quốc Anh bị tù 2 năm 6 tháng và một số năm treo giò. Nhiều người yêu bóng đá ngán ngẩm, thậm chí lo sợ sẽ mất một thế hệ bóng đá tương lai. Họ vừa giận vừa thương, vì chỉ với hai, ba chục triệu đồng mà một số bạn trẻ đánh mất cả sự nghiệp đang trên đà phát triển...
Thế rồi phần lớn họ trở lại sân cỏ sau khi hết hạn treo giò, nhưng nhiều người không giữ được phong độ như xưa. Vì mấy năm trong ngục tù, treo giày, thân hình nặng nề và đặc biệt là những ức chế trong tâm lý... đã làm cho họ rất khó lấy lại phong độ. Bước chân ra khỏi nhà giam, chàng trai Quảng Nam - Quốc Anh cũng không tránh khỏi sự trì trệ, mặc cảm đó, nhưng rồi anh đã cố gắng lấy lại thăng bằng, quyết tâm luyện tập... Thật ra có lúc Quốc Anh cũng nản chí, muốn chia tay sân cỏ, học nghề khác kiếm sống nhưng được gia đình, bạn bè động viên, anh quyết tâm theo lời dạy của người xưa “vấp ngã thì đứng dậy tại chính nơi mình ngã chứ không gục ngã”. Quyết tâm đó tạo nên một Quốc Anh "Vàng" hôm nay.
Trong những lần tập lại, ai cũng nhận ra đường bóng tài hoa của Quốc Anh vẫn giữ được như xưa, nhưng khi được đề xuất trở lại đội bóng xứ Sông Hàn thì vẫn còn không ít người phân vân, e ngại những lỗi lầm cũ của Quốc Anh có thể sẽ làm hoen ố danh tiếng vẻ vang một đội bóng con cưng của địa phương; rồi, không biết một người đã vào tù ra tội thì có khả năng hòa nhập với tập thể của 11 người như một không?... Nhưng chính tấm lòng bao dung của lãnh đạo địa phương, của huấn luyện viên và tình thương yêu của đồng đội để có một Quốc Anh như hôm nay.
Giới báo chí vốn là những người rất nhạy cảm với những hiện tượng tiêu cực, nhất là với môn "thể thao vua" được nhiều người ưa chuộng. Trong vụ tiêu cực 8 năm trước, chính giới báo chí đã tốn nhiều giấy mực lên án những kẻ "tội đồ" phản bội đông đảo người hâm mộ, làm hoen ố mầu cờ sắc áo. Thì hôm nay, vẫn chính là họ hướng về tương lai để bỏ phiếu ủng hộ con người mà trước đây họ đã lên án, để có một Quốc Anh vượt qua người thứ nhì khá xa.
Không mặc cảm tội lỗi, một con người lầm lẫn có thể làm lại, không chỉ đứng vững mà có thể vươn tới đỉnh cao. Nhưng phải có những tấm lòng tha thứ, bao dung của xã hội, đặc biệt là ở những người lãnh đạo, quản lý mới có thể tạo điều kiện cho Quốc Anh được như ngày hôm nay... Điều đó gợi lên nhiều suy nghĩ, không chỉ trong bóng đá, trong việc Quốc Anh nhận "Quả bóng Vàng" mà ở cả cuộc đời. Có được "Vàng" thì phải hội đủ như thế, trước hết từ nỗ lực của người mắc khuyết điểm, tội lỗi nhưng quan trọng là sự tha thứ bao dung của xã hội, nhất là của người lãnh đạo, quản lý, để trước hết vực một con người dậy và biết đâu trở thành một tài năng. Xa lánh, ruồng bỏ một người có sai sót, va vấp là việc thường thấy; nhưng gần gũi, giúp đỡ họ đứng dậy mới là bản lĩnh của người lãnh đạo, quản lý thấm đậm tính nhân văn.
Sự phân tích đó xem ra có lý, nhưng có người muốn nói thêm: “Cùng với bài học về sự đứng lên khi vấp ngã, cũng nên nhớ cả bài học ngã đau khi lên đỉnh cao và sự khoan dung nào cũng có giới hạn”. Đó cũng lại là bài học nhãn tiền nhắc nhở "Quả bóng Vàng" đừng phụ lòng tin của những người ủng hộ họ./.
Nhân Chính