Vậy là Việt Nam ta đã có 90 triệu người. Còn niềm hạnh phúc nào hơn khi thấy dân
tộc ta thêm lớn mạnh, sức người thêm dồi dào. Nhân niềm vui lớn chúng ta cũng
nhận thêm nhiều trách nhiệm đối với dân tộc mình, Tổ quốc mình.
Chín mươi triệu dân và tỷ lệ vàng của độ tuổi lao
động đó là cơ sở cần thiết để chúng ta làm giàu, nâng cao vị thế đất nước. Nhớ
lại sự kiện cách đây chưa lâu tỉnh Quảng Ninh đã khánh thành đường điện lưới từ
đất liền ra đảo Cô Tô. Đây là công trình có tổng số vốn lên tới 1.100 tỷ đồng.
Số tiền rất lớn cho một đảo nghèo. Tính bình quân mỗi người dân Cô Tô được hưởng
lợi 200 triệu đồng từ dự án này. Điều khiến người dân Cô Tô cảm động là số tiền
đó được tỉnh huy động từ nhiều nguồn, trong đó có cả sự đóng góp của nhân dân
toàn tỉnh. Đó là dự án hợp lòng dân, nên khi tỉnh kêu gọi đóng góp, chỉ trong
vòng một thời gian ngắn, số tiền đóng góp đã lên đến vài trăm tỷ đồng, cùng với
các nguồn vốn khác, số tiền đã thừa đủ để làm công trình dẫn điện trên biển, một
công trình kỳ vĩ. Sự kiện này cho ta một minh chứng về câu nói “dân giàu, nước
mạnh”. Mới biết đông người đông của là một câu nói rất có cơ sở thực tiễn.
Lao động Việt Nam vốn được đánh giá là khéo léo,
có khả năng tiếp thu nhiều công nghệ mới. Từ nhiều năm qua, người lao động Việt
Nam luôn được chào đón tại nhiều nước có nền công nghiệp hiện đại. Gần đây lao
động Việt Nam còn tham gia cả lĩnh vực nông nghiệp tại nhiều nước châu Âu, châu
Á, châu Phi và châu Đại Dương. Theo chân những người lao động đó, văn hóa Việt
Nam đã đi đến khắp nơi trên thế giới. Người Việt được biết đến như những con
người trung hậu, thành thực, có ý chí, có nghị lực, cần cù, siêng năng, khéo
léo. Lực lượng lao động mạnh này có thể coi là lợi thế của Việt Nam.
Những người lao động Việt Nam là tài sản quý của
đất nước. Tất nhiên, những tài sản này không phải tự nhiên mà có được, nó phải
qua quá trình tích lũy, biến đổi, phát triển… Có những tính cách có thể hấp thụ
và tích lũy từ truyền thống văn hóa của dân tộc một cách tự nhiên; nhưng bên
cạnh đó có những tính cách phải qua quá trình học tập, tôi luyện mới có được. Có
thể lấy tinh thần ham học, ham hiểu biết là một ví dụ. Phàm con người từ lúc
sinh ra ai cũng có nhu cầu học hỏi để tìm hiểu và khám phá tự nhiên nhưng quá
trình học tập, tiếp thu đó kéo dài bao lâu, nông sâu thế nào thì phải do gia
đình, nhà trường, xã hội động viên khuyến khích mới xây dựng được. Xa hơn nữa,
việc hướng dẫn cho từng cá nhân học gì, học bao lâu, xây dựng ước mơ, dự định,
cách thực hiện ước mơ, dự định…, những chi tiết đó lại cần đến một gia đình lành
mạnh, xã hội lành mạnh. Trong bất kỳ một gia đình nào, một xã hội nào cũng đan
xen những tiêu cực và tích cực, những mảng sáng và mảng tối. Nếu gia đình, xã
hội không tự đào luyện, gột rửa, “gạn đục khơi trong” thì cá nhân sẽ không có cơ
hội để trở thành tài sản quý của đất nước. Rõ ràng, để có được người lao động
quý phải có một xã hội lành mạnh. Và tạo ra xã hội lành mạnh cần những người đi
trước có cách nhìn đúng đắn, trách nhiệm to lớn.
“Ngọc bất trác, bất thành khí". 90 triệu dân là
một cột mốc và nó chỉ trở thành sức mạnh to lớn khi ai ai cũng được rèn luyện,
học tập, giáo dục toàn diện./.
Ỷ Thiên (QĐND)