Sáng chủ nhật, dạo quanh phố một vòng, rẽ vào quán cà-phê quen thuộc, đang nhâm nhi hương vị thơm ngậy của ly "nâu nóng" giữa cái lạnh đầu mùa, thì đoạn đối thoại của người ngồi bàn bên khiến tôi chú ý:
- Chẳng mấy mà lại hết năm, không biết cơ quan tôi năm nay có gì chia chác không?
- Ông nói thế nghĩa là sao?
- Từ ngày có ông được tiếng là thanh liêm về làm sếp, thu nhập "mềm" của tôi giảm hẳn, thiệt đủ đường. Chi tiêu nội bộ cắt giảm, hạn chế thay mới thiết bị nếu chưa cần thiết... Trước khi ông ấy về, cơ quan thường tìm lý do chia thêm các khoản ngoài lương cho anh em, chứ cuối năm ngoái, cơ quan hoàn lại ngân sách cả tỷ đồng vì không giải ngân hết.
Nghe đến đây, chợt nhớ câu chuyện của anh cán bộ huyện trong một chuyến đi công tác mà tôi gặp cách đây ít lâu. Anh cũng than thở vì ông bí thư huyện anh trong sạch, vô tư, cho nên đơn vị của anh năm vừa rồi mất thành tích. Chẳng là năm vừa qua, huyện không đạt một số chỉ tiêu kế hoạch đề ra. Nguyên nhân do nhiều yếu tố khách quan, chứ mỗi cán bộ, đảng viên đều cố gắng phấn đấu hết mình. Thế mà bí thư lại cho rằng, không đạt chỉ tiêu có nghĩa là chưa làm tốt, chưa làm hết trách nhiệm, mà như thế thì không thể nhận mức hoàn thành xuất sắc được. Ông ấy kiên quyết để đơn vị chỉ nhận mức hoàn thành nhiệm vụ. "Sếp" thế rồi thì ai dám cãi!
Những câu chuyện kể trên cho thấy một thực tế, lâu nay không ít cán bộ luôn có tư tưởng lợi dụng kẽ hở của cơ chế và sự buông lỏng quản lý để tìm cách trục lợi, hoặc chí ít cũng là "làm láo, báo cáo hay". Bản thân họ khi đề cập đến tham nhũng, tiêu cực cũng tỏ ra rất bất bình nhưng lại không vui khi "sếp" mình liêm khiết. Vẫn còn lối tư duy kiểu không tham cũng thiệt thì có lẽ cái thiệt vô cùng lớn chỉ thuộc về Nhà nước, về nhân dân.
ÐAN LÊ (Nguồn: Nhân dân)