Thứ Bảy, 23/11/2024
Cùng suy ngẫm
Thứ Sáu, 13/12/2013 21:54'(GMT+7)

Danh và thực


                           


Thăm Văn Miếu, nhiều người nhớ lời Hội nguyên, Đông các Đại học sĩ, Thân Nhân Trung ghi trên tấm bia tiến sĩ khoa thi Nhâm Tuất 1442: 
“Hiền tài là nguyên khí quốc gia, nguyên khí thịnh thì nước mạnh và vươn cao, nguyên khí suy thì nước yếu mà xuống thấp. Vì thế, các bậc thánh đế minh vương không ai không lấy việc gây dựng người tài, kén chọn kẻ sĩ, bồi đắp nguyên khí là việc đầu tiên”.

Biết rằng trên mỗi tấm bia đều có các bài ký ghi lời bình của các bậc trí giả, nhưng tôi không biết chữ nho đành phải đọc qua các bản dịch. Thì ra đọc các bài ký lại hiểu thêm nhiều điều, không chỉ lựa chọn mà còn đánh giá người tài.

Cũng trên tấm bia nói trên của Thân Nhân Trung, cụ còn viết: 
“Hãy đem tên họ những người đỗ khoa thi này mà điểm lại. Người đem văn học, chính sự tô điểm cho cảnh trị bình, được quốc gia tin dùng suốt mấy chục năm cũng nhiều. Nhưng gián hoặc cũng có kẻ vì nhận hối lộ mà hư hỏng, hoặc sa ngã vào hàng bọn gian ác...”.

Cùng một suy nghĩ, trên tấm bia ghi danh tiến sĩ khoa Quý Mùi – 1463  lại thấy cụ Hàn lâm viện thị giảng Đào Cừ ghi lời bình: “Người này tận trung với nước, người này để ơn cho dân, người này đạo nghĩa ngay thẳng, người này giữ đức lập công...”, nhưng cũng có “đồ gian tà, tuồng phụ bạc, quân hèn nhát”. Và cụ nhắc: “Nếu chỉ mượn tiếng đỗ đạt để cầu ấm no, lấy con đường ấy làm lối tắt để ra làm quan thì đời sau sẽ gọi là kẻ tiểu nhân, gian tà”.

Thật ra, trước đây xem lần lượt tên các tiến sĩ ghi danh trên bia đá, tôi đã đánh liều viết bài nhận xét: Chắc chắn những người được ghi danh ở đây đều là những người học giỏi, nhưng xem ra cũng chỉ hơn chục vị để lại những công trạng lớn cho đất nước và có khi công trạng với đất nước của vị tiến sĩ chay được lịch sử đánh giá to hơn, được nhân dân biết đến và ghi công lớn hơn so với các vị tiến sĩ bằng đỏ hoặc thủ khoa như Trạng nguyên, Bảng nhãn, Thám hoa. Nhưng đọc lời bình của các cụ Thân Nhân Trung và Đào Cừ, thấy các cụ đã nhìn xa hơn từ việc nước, việc dân mà phân rõ mức Ngay thẳng và Gian tà – giữa danh và thực.

Ngẫm lại sự đời thật sâu sắc và chí lý. Vì ngay ở nước ta lúc này, đâu phải các vị giáo sư, tiến sĩ nào cũng vì dân, vì nước”./.

Nhân Chính
Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất