Chẳng hạn như
trước đây người dân bàn tán sôi nổi về một số quy định hoặc dự thảo quy
định… trên trời, như thịt gia súc mổ xong phải bán trong vòng 8 giờ;
người bán hàng rong phải có giấy khám sức khỏe và chứng nhận tập huấn an
toàn vệ sinh thực phẩm; người “ngực lép” không được đi xe máy phân khối
lớn; không được quàn người chết trong quan tài có nắp kính; người sử
dụng xe máy không chính chủ sẽ bị phạt; đi nước ngoài quá 2 năm sẽ bị
xóa tên trong hộ khẩu; học sinh muốn học thêm phải làm đơn xin, có phụ
huynh xác nhận...
Rồi một dạo rộ lên quy định
phạt tiền về tội ngoại tình; hành vi vợ, chồng lục bóp (ví) nhau (kiểm
soát chặt chẽ nguồn tài chính); hành vi “không cho thành viên gia đình
sử dụng tài sản chung vào mục đích chính đáng”; hành vi “buộc thành viên
gia đình đóng góp tài chính vượt quá khả năng của họ”. Lại có chuyện
thật mà như đùa! Chả là có vị lãnh đạo đơn vị buộc nhân viên dưới quyền
không được mặc quần áo có túi khi đi làm (vì sợ có chỗ để tiền hối lộ)
hoặc không được mang theo trong người quá 100.000 đồng (để kiểm soát có
hay không việc nhận hối lộ)…
Dù phần lớn những quy định (hoặc dự
thảo) nói trên đã bị bãi bỏ hoặc ngưng thi hành do công luận phản đối,
nhưng qua đó đã phần nào cho thấy sự hạn chế về nhận thức của một bộ
phận cán bộ tham mưu chỉ quen ngồi bàn giấy. Hiện nay, trình độ dân trí ở
nước ta nói chung đã được nâng lên khá cao (một bộ phận rất cao), do đó
“tầm” của cán bộ lãnh đạo, quản lý cũng phải được nâng lên tương ứng.
Điều này đặt ra cho các cơ quan, đơn vị cần thường xuyên rà soát, sàng
lọc đội ngũ cán bộ, không để cho những người có trình độ chuyên môn,
nhận thức kém mà vẫn giữ công việc quan trọng, nhất là liên quan nhiều
đến người dân vì như thế chỉ làm cho xã hội thêm trì trệ./.
Biên Hà (SGGP)