Thứ Bảy, 27/7/2024
Cùng suy ngẫm
Thứ Hai, 16/12/2013 17:2'(GMT+7)

Không tiếp người “thiếu vải”

(Ảnh minh hoạ)

(Ảnh minh hoạ)

Người phụ nữ nắm tay dẫn người đàn ông ngoại quốc đi vào trụ sở Sở Tư pháp TP.Hồ Chí Minh. Vừa bước tới cửa, một nhân viên bảo vệ ra hiệu ngăn không cho vào. “Tôi vào làm giấy tờ hộ tịch” - người phụ nữ giải thích. Nhân viên bảo vệ, nói: “Ở đây không tiếp người mặc quần ngắn, áo hở vai”. Thấy người đàn ông ngoại quốc chưa hiểu chuyện gì, nhân viên bảo vệ chỉ tay sang tấm bảng quy định tiếp dân nơi công sở được ghi bằng tiếng Việt và tiếng Anh, có điều nói về mặc quần áo không được quá ngắn. Hiểu được sự việc, người đàn ông ngoại quốc nắm tay người phụ nữ đi vội ra đường đón xe về.

Đó là câu chuyện chúng tôi ghi nhận được mới đây tại cổng ra vào Sở Tư pháp TP.Hồ Chí Minh. Là người thường xuyên phải ra vào làm việc tại các cơ quan hành chính từ phường-xã, quận huyện, đến các sở ngành thành phố, có lẽ lần đầu tiên tôi được chứng kiến người dân ăn mặc “thiếu vải” bị từ chối tiếp, giải quyết thủ tục hành chính. Ngay như tấm bảng quy định về tiếp dân nơi công sở được ghi bằng 2 thứ tiếng đặt tại cổng ra vào như ở Sở Tư pháp thành phố, cũng rất ít nơi thực hiện. Chính vì vậy, thường hay gặp hình ảnh những cô gái mặc quần áo hở hang, những phụ nữ mặc đồ bộ, áo sát nách, những người đàn ông mặc quần đùi, áo ba lỗ, những đứa trẻ ở trần… vô tư ra vào trụ sở các cơ quan hành chính mà không bị nhắc nhở. Hay hành vi cãi vã, chửi tục, cười nói thoải mái khi tiếp xúc, làm việc tại cơ quan hành chính và nơi công cộng, cũng là chuyện xảy ra thường xuyên, nhưng không thấy ai nhắc nhở hoặc xử phạt theo quy định. Những hình ảnh phản cảm và thiếu văn hóa nêu trên nếu không được các cơ quan hành chính chú ý và có biện pháp chấn chỉnh, lâu dần sẽ trở thành thói quen và rất khó sửa đối với người dân khi đến các cơ quan hành chính.

Khoản 1, Điều 10 Nghị định 150/2005/NĐ-CP của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh và trật tự, an toàn xã hội có quy định: Phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 60.000 đến 100.000 đồng đối với hành vi không mặc quần áo, hoặc mặc quần áo lót ở nơi hội họp đông người, các địa điểm văn hóa tín ngưỡng, nơi làm việc của các cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức kinh tế, tổ chức xã hội… Quy định trên cũng nói rõ cơ quan thẩm quyền nào có trách nhiệm kiểm tra, nhắc nhở và ra quyết định xử phạt. Thiết nghĩ, để quy định trên được thực hiện nghiêm, trước tiên người đứng đầu các cơ quan hành chính phải có thái độ kiên quyết từ chối tiếp xúc với những người dân mặc quần áo không đúng quy định và nói năng thiếu văn hóa khi đến cơ quan hành chính. Đồng thời, cần tăng cường tuyên truyền, xử phạt những trường hợp nhiều lần vi phạm để làm gương cho người khác và tạo hình ảnh đẹp, văn minh nơi công cộng và tại trụ sở các cơ quan hành chính nhà nước./.

Hoài Nam (SGGP)



Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất