Chủ Nhật, 8/9/2024
Cùng suy ngẫm
Thứ Bảy, 14/12/2013 22:46'(GMT+7)

Tin đồn và tung tin đồn



Tin đồn là sự khẳng định của một nhóm người về một vấn đề nào đó của xã hội có thể có một phần sự thật hoặc không có thực nhưng đều không được kiểm chứng. Do không xuất phát từ những phát ngôn của người và cơ quan có trách nhiệm cho nên thường được gọi là "tin vỉa hè". Tôi nghĩ "tin vỉa hè" thì cũng cần nghe để biết được các loại thông tin, nhưng vì chưa rõ nguồn và chưa được kiểm chứng, cho nên về nguyên tắc không thể là cơ sở để thông tin trên các phương tiện thông tin đại chúng của những ngòi bút có trách nhiệm.
Tin đồn, đặc biệt là những tin đồn về hiện tượng lạ và xấu liên quan tới nhiều người thường có sức lan toả nhanh. Tin đồn lan toả theo lối truyền miệng lại thường được thêm thắt qua mỗi người cho thêm ly kỳ phù hợp với ý muốn của người lan truyền. Dù tính lan toả trong số đông, nhưng không được kiểm chứng và được thêm thắt qua miệng mỗi người, cho nên có thể tham khảo nhưng không thể coi là dư luận xã hội.
Tin đồn nào cũng có điểm xuất phát từ một người hoặc một nhóm người. Có người khởi xướng tin đồn do hóng chuyện, nghe lõm bõm rồi truyền tai cũng là chuyện không hay... Nhưng có một số người cố tình bịa đặt, vu khống rồi cố tình tung tin đồn với dụng ý xấu như để cạnh tranh hàng hoá, để hạ uy tín một số người vì lợi ích phe nhóm. Họ không cần biết tin đó có đúng sự thật hay không, chỉ cốt hợp ý họ là họ truyền bá bằng mọi cách... Họ làm với sự tính toán chu đáo, chẳng hạn đầu tiên "rót" vào tai những người hay ba hoa, cả tin để tăng sức lan toả, ngày nay là tận dụng các mạng xã hội. Cũng cần phân biệt người vô tâm lan truyền tin đồn xấu với người cố tình "tung tin đồn" có dụng ý xấu, vì tung tin đồn với dụng ý xấu có thể là hành vi phạm tội.
Họ thường ẩn danh vì không muốn lộ mặt trước bàn dân thiên hạ về những việc làm xấu xa của mình, nhưng xã hội có cách đánh giá của mình. Có một số người vốn đàng hoàng, đứng đắn nhưng vì mục đích cá nhân, họ trở thành kẻ luôn bịa đặt. Nhưng có học giả đã nói: "Có thể nói dối, lừa lọc một lần, hai lần nhưng không ai có thể nói dối suốt đời mà không bị vạch mặt". Tuy nhiên, cũng có người cảnh báo về một luận điệu giả dối của Gơben, một tên trùm phát xít Đức khi nêu lý thuyết về sự giả dối, bịa đặt. Ông ta nói: "Sự thật là điều nói dối được nhắc đi nhắc lại nhiều lần", vì nghe mãi một lời nói dối thì có tâm lý coi như đó là thật. Do đó, không thể coi thường hậu họa của những tin đồn xấu, đặc biệt với kẻ "tung tin đồn" ác ý./.

Nhân Chính

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất