Thứ Sáu, 18/10/2024
Cùng suy ngẫm
Thứ Ba, 7/1/2014 11:12'(GMT+7)

Công chức và rượu bia

(Hình minh họa. Nguồn: Báo Tuổi trẻ)

(Hình minh họa. Nguồn: Báo Tuổi trẻ)

Đúng ngày cuối năm vừa rồi, trong Hội nghị toàn quốc tổng kết về công tác an toàn giao thông năm 2013 và triển khai công tác năm 2014, vấn đề công chức uống rượu, bia lại được nêu lên. Thật mừng đó lại là một tin vui: Các tỉnh Tây Ninh, An Giang và một số tỉnh đã có chủ trương tổ chức cho cán bộ, công chức cam kết không uống rượu, bia trong giờ làm việc và giờ nghỉ trưa. Và chủ trương ấy đã có hiệu quả. Như ở Tây Ninh, số vụ tai nạn giao thông do đối tượng này gây ra và xảy ra với đối tượng này đã giảm một nửa.

Ở vùng đất Nam Bộ, xin lỗi, người ta đã có những ấn tượng không đẹp, thậm chí có người phải sợ vì những "anh Hai say xỉn", với những hẹn hò lỡ dở cùng những chuyện oái oăm "không say không được việc", thế mà đã có tín hiệu bớt rượu, bia bởi chủ trương mạnh của các cấp lãnh đạo.

Tại hội nghị, Phó thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã ghi nhận cách làm trên và đề nghị "Cả nước cần phát động luôn việc không uống rượu, bia buổi trưa và trong giờ làm việc". Đáng làm quá, nhưng nhìn thực tế cũng thấy thật khó quá. Thói quen uống rượu, bia là của nhiều dân tộc, thói quen văn hóa ấy ở nước ta nhiều chục năm lại đây bùng phát mạnh đến chưa từng thấy, lắm lúc, lắm chỗ trở thành một thứ tệ nạn. Ngay cả trong cán bộ, công chức cũng khá phổ biến chuyện uống rượu, bia trong giờ làm việc và trong bữa ăn trưa. Không chỉ anh em Nam Bộ đâu, ở vùng Tây Bắc, Việt Bắc, ở đô thị và nông thôn miền Bắc, ở miền Trung, Tây Nguyên lâu nay đã coi đó là thứ sinh hoạt thường nhật. Có vùng miền núi, cán bộ gặp nhau buổi sáng là chào mời bằng vài chén, còn bữa ăn trưa dù đạm bạc nhưng không có rượu là không được. Theo Bộ Công Thương, năm 2013 Việt Nam đã sản xuất được khoảng 2,9 tỷ lít bia các loại, tăng 7,4% so với năm 2012. Vậy, tính thêm cả bia nhập khẩu và rượu thì lượng rượu bia chia bình quân cho đầu người Việt Nam là rất lớn.

Bia, rượu là một nguyên nhân gây tai nạn giao thông cho bất cứ ai, điều này đã quá rõ. Nhưng bia, rượu còn làm mất tư thế tác phong, nền nếp làm việc, làm hỏng cán bộ, công chức... Tác hại này không dễ đo đếm, song với khách, với dân và với chính đồng sự, đồng nghiệp không ai không thấy được. Văn hóa công sở, văn hóa bia, rượu không chấp nhận những sai trái, những tật xấu này.

Cái sai, cái hỏng thành nết rồi, sửa sao đây? Đúng là sai của số đông người, nhiều cơ quan, đơn vị, của cả cộng đồng thì tất cả phải cùng nhau, giúp nhau sửa, phải phát động trong cả nước. Ví dụ, các đám cưới, liên hoan, cỗ tiệc người ta thường làm vào buổi trưa để tiện cho công chức tranh thủ giờ nghỉ đến dự. Vậy thì hoặc các cỗ, đám không được mời rượu, bia, hoặc nên tổ chức cỗ, đám vào buổi chiều tối sau giờ làm việc như các nước.

Mặt khác, như kinh nghiệm của các đơn vị quân đội thực hiện từ nhiều năm, lệnh cấm uống rượu, bia trong giờ làm việc và buổi trưa cho thấy, dù việc tuân thủ kỷ luật nghiêm, song rất cần sự kiên trì vận động và kiên quyết từ trên xuống dưới. Nơi nào chểnh mảng, lơ là, không gương mẫu hay thỏa hiệp là tật cũ tái diễn.

Sửa cái sai, tật xấu phổ biến cần sự quyết tâm mạnh mẽ, cần những biện pháp đồng bộ. Bước đầu, tổ chức cam kết không uống rượu, bia trong giờ làm việc và buổi trưa rất đáng nhân rộng cùng các hình thức xử lý nghiêm minh khi vi phạm cam kết đối với cả cá nhân và tập thể./.

Nguuyễn Mạnh (QĐND)
Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất