Thứ Bảy, 21/9/2024
Văn hóa
Thứ Năm, 20/4/2017 19:59'(GMT+7)

Phát huy hiệu quả việc sử dụng, trang bị sách cho xã phường, thị trấn

Trong 5 năm qua, các địa phương, đơn vị đã nghiêm túc thực hiện việc tiếp nhận, phân phối và định hướng sử dụng các đầu sách do Ban Tuyên giáo Trung ương cung cấp. Các cấp ủy đảng và chính quyền chỉ đạo sát sao đến cơ sở, ban hành Quy chế sử dụng sách, lập danh mục, tuyên truyền, giới thiệu rộng rãi các đầu mục tài liệu để cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân tìm đọc một cách dễ dàng, thuận lợi.

Qua thực tế, việc sử dụng sách từ Đề án trang bị sách cho cơ sở xã, phường, thị trấn đã làm phong phú nguồn sách của các xã, phường, thị trấn trong điều kiện kinh phí hạn chế. Với hàng trăm đầu sách, trong đó có các nội dung thiết thực, bám sát yêu cầu của cơ sở, cập nhật những thông tin mới nhất về chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; phục vụ việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh; công tác xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền, Mặt trận và các đoàn thể; phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội… đã góp phần trang bị kiến thức cơ bản, khá toàn diện cho cán bộ lãnh đạo, quản lý, đảng viên, đoàn viên, hội viên và nhân dân ở các xã, phường, thị trấn, nâng cao chất lượng hệ thống chính trị ở cơ sở, trình độ dân trí của các tầng lớp nhân dân. 

Sách từ Đề án trang bị sách cho cơ sở xã, phường, thị trấn thực sự phong phú, đa dạng về nội dung, đã trở thành một kênh tuyên truyền, định hướng của Đảng và Nhà nước đến các tổ chức đảng, đoàn thể, nhân dân ở cơ sở. Một số nơi, nguồn sách được đưa vào phòng đọc sách tại nhà văn hóa, thư viện xã. Các cấp ủy đảng, chính quyền các xã thị trấn cũng đã sử dụng đưa nội dung từ các đĩa DVD-ROM  “Thanh niên làm theo lời Bác”, “Sách xã, phường, thị trấn” đưa vào tuyên truyền trên hệ thống truyền thanh.

Thực hiện Đề án trang bị sách cho cơ sở xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh đã góp phần đáp ứng nhu cầu tự nghiên cứu, tham khảo, học tập nâng cao trình độ kiến thức của đội ngũ cán bộ, đảng viên và nhân dân, đặc biệt là đội ngũ cán bộ, đảng viên và nhân dân của các xã, phường, thị trấn. Thông qua đó nâng cao nhận thức, củng cố kiến thức, ứng dụng vào trong quá trình thực thi nhiệm vụ chuyên môn, vận dụng vào trong thực tiễn quản lý, lãnh đạo của cán bộ, đảng viên, trong lao động sản xuất của nhân dân... 

Các địa phương, cơ sở đều có bưu điện văn hóa, tủ sách pháp luật của xã, phường, thị trấn (sách về lý luận chính trị, nông nghiệp, kinh tế, pháp luật, văn hóa xã hội...). Nhiều địa phương có nhà sinh hoạt cộng đồng tạo điều kiện cho cán bộ và nhân dân đọc sách, báo chí, tra cứu tài liệu, nghiên cứu tìm hiểu phục vụ cho hoạt động thực tiễn.

Bên cạnh sách được trang bị từ Đề án, các địa phương, cơ sở còn chủ động mua phục vụ nghiên cứu, quán triệt các nội dung của Nghị quyết Đại hội Đảng các cấp, về Chủ tịch Hồ Chí Minh, về công tác xây dựng Đảng… trang bị cho cán bộ, đảng viên và nhân dân nhằm nâng cao kiến thức.

Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy đã tiến hành khảo sát tại một số địa phương, đơn vị, nhận thấy các đơn vị đã được tiếp nhận đầy đủ sách theo từng đợt, sách giao về cho Đảng ủy, UBND xã, phường, thị trấn; mỗi nơi đều có tủ sách riêng, có phân công cán bộ quản lý. Tại huyện Phong Điền, Đảng ủy xã Phong Bình đề ra Nội quy mượn và trả sách, như: mỗi lần mượn không quá 4 cuốn, thời gian không quá 1 tuần, có ký mượn, ký trả nghiêm túc. Xã Điền Môn, bên cạnh sách của Đề án, còn có mô hình xã hội hóa Thư viện đọc sách do một số cá nhân đóng góp. Tại Thư viện này, các loại sách được trưng bày, lồng ghép giới thiệu để nhân dân đến đọc, tìm hiểu. Thư viện sách còn có trang bị máy tính được nối mạng wifi miễn phí, tạo điều kiện cho người dân khai thác, sử dụng có hiệu quả sách và các ấn phẩm từ sách cũng như các thông tin cần thiết khác phục vụ cho đời sống, sinh hoạt. 

Tại Thành phố Huế, Đảng ủy phường Tây Lộc, sách được đặt ngay tại trụ sở UBND phường, giao cho đồng chí cán bộ phụ trách Tư pháp - Hộ tịch theo dõi, quản lý. Thời gian phục vụ là 5 ngày làm việc trong tuần, buổi sáng từ 7h30 đến 11h00, buổi chiều từ 14h00 đến 16h30. Đối tượng đọc sách là cán bộ cốt cán ở cơ sở, cán bộ trong phường và nhân dân khi đến làm các thủ tục hành chính cũng đã nghiên cứu, đọc và mượn sách. Tại phường Thuận Lộc, sách của Đề án trang bị được lồng ghép vào Tủ sách pháp luật, đặt tại Phòng Hành chính một cửa, thuận lợi cho nhân dân đến tìm hiểu, nghiên cứu các văn bản mới. Phòng đọc sách được bố trí ngăn nắp, gọn gàng, có bàn ghế; sách được để theo từng chuyên mục, dễ tra cứu, dễ tìm. Có những cuốn sách đã được mượn nhiều lần, phục vụ tốt ở cơ sở, như: cẩm nang về công tác xây dựng Đảng, các mẩu chuyện kể về Chủ tịch Hồ Chí Minh...

Bên cạnh những kết quả đạt được, hiện nay công tác tiếp nhận, quản lý và sử dụng sách còn một số khó khăn như: Nơi trưng bày sách chưa thuận lợi cho người đọc, chưa ban hành Nội quy quản lý, khai thác, sử dụng sách. Thậm chí, có địa phương không có sổ ghi chép tình hình số lượng, thể loại sách được cung cấp hằng năm để lập danh mục tiện theo dõi, giới thiệu tuyên truyền…;  Cán bộ quản lý tủ sách ở cơ sở chủ yếu là kiêm nhiệm, không có chế độ, phụ cấp riêng. Đa số cán bộ quản lý sách ở cơ sở chưa được tập huấn về nghiệp vụ quản lý và khai thác, sử dụng sách nên trong quá trình sử dụng, bảo quản hiệu quả chưa cao; Vẫn còn tình trạng sách được tiếp nhận nhưng không được khai thác kịp thời. Việc khai thác, nghiên cứu của cán bộ, đảng viên và nhân dân ở một số đơn vị chưa thường xuyên.; Đa số các đơn vị chưa có phòng đọc độc lập, không có phương tiện chiếu các đĩa CD-ROM đã được cấp cũng ảnh hưởng đến việc thực hiện Đề án.   

Trong 5 năm qua, mặc dù còn gặp một số khó khăn, hạn chế, nhưng việc thực hiện Đề án trang bị sách cho cơ sở xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh có tác dụng thiết thực, đáp ứng kịp thời nhu cầu tự nghiên cứu, tham khảo, học tập nâng cao trình độ kiến thức của đội ngũ cán bộ, đảng viên và nhân dân ở các xã, phường, thị trấn. Thông qua đó nâng cao nhận thức, củng cố kiến thức, ứng dụng vào trong quá trình thực thi nhiệm vụ chuyên môn, vận dụng vào trong thực tiễn quản lý, lãnh đạo của cán bộ, đảng viên, trong lao động sản xuất của nhân dân. Để Đề án tiếp tục triển khai thực hiện theo hiệu quả và thiết thiết thực hơn, trong thời gian tới, tỉnh tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền để các cấp ủy đảng, chính quyền và mọi cán bộ, đảng viên, nhân dân thấy được lợi ích thiết thực từ Đề án; phối hợp với Nhà xuất bản Chính trị Quốc gia - Sự thật đẩy mạnh công tác thông tin tuyên truyền, kiểm tra, giám sát việc thực hiện Đề án, phát hiện những mô hình, điển hình để động viên, biểu dương đối với những đơn vị làm tốt công tác này./.

Châu Thu Hà




Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất